Định kiến và đói nghèo

01/12/2019 10:44 GMT+7

Chọn cách làm có trách nhiệm, là tìm kiếm đối tác tiếp nhận lao động đáng tin cậy, đảm bảo lợi ích của người lao động ở nước ngoài.

Những con số và cách làm phản ánh sự thành công đáng ghi nhận của Đồng Tháp so với các tỉnh còn lại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm tái khởi động chương trình xuất khẩu lao động cho thấy,  nếu chính quyền đặt mục tiêu rõ ràng trong việc gửi lao động ra nước ngoài, chọn cách làm có trách nhiệm với người dân tham gia chương trình thì kết quả đem về không chỉ là xóa đói giảm nghèo cho địa phương.
Đặt mục tiêu rõ ràng, là xem việc tìm kiếm sinh kế cho người dân là mục tiêu hàng đầu, chứ không phải là tăng nguồn thu cho cơ quan này, đơn vị nọ. Đặt mục tiêu rõ ràng, là xem việc giúp người dân có đủ kiến thức, kỹ năng và điều kiện để tiếp cận một cách đàng hoàng các chương trình xuất khẩu lao động, không để họ rơi vào bẫy của những kẻ lừa đảo hoặc buôn người.
Chọn cách làm có trách nhiệm, là tìm kiếm đối tác tiếp nhận lao động đáng tin cậy, đảm bảo lợi ích của người lao động ở nước ngoài. Là xây dựng các chương trình truyền thông, đào tạo, huấn luyện phù hợp để nâng cao giá trị lao động cho người dân tham gia chương trình. Là xây dựng chính sách hỗ trợ vay tín chấp để người dân có đủ điều kiện tiếp cận chương trình mà không bị rơi vào bẫy của “tín dụng đen”.
Mà đi lao động ở nước ngoài thì cũng không chỉ là chuyện kiếm tiền sinh sống. Người lao động được đào tạo tốt hơn trong môi trường làm việc của các quốc gia phát triển. Họ tự đem về cho mình sau khi hết hợp đồng xuất khẩu lao động một con người khác, một cơ hội khác. Đó có thể là con người làm việc kỷ luật, có kỹ năng và thao tác nghề nghiệp thuần thục hơn, và có trải nghiệm tốt hơn về giá trị lao động. Đó có thể là con người sở hữu được một số vốn nhất định nhờ thu nhập từ hợp đồng lao động xuất khẩu, ngoài ra còn nắm bắt được tay nghề mới nào đó rồi về quê “khởi nghiệp”, tự mình làm “ông chủ” của đời mình, của gia đình mình.
Không phải là vẽ ra một viễn cảnh luôn lạc quan về xuất khẩu lao động, nhưng nếu so sánh với những viễn cảnh kiểu như lấy chồng Đài Loan, lấy chồng Hàn Quốc, lấy chồng Trung Quốc thì có quyền khẳng định viễn cảnh của người lao động nghèo tham gia xuất khẩu lao động sẽ đáng tin cậy hơn, sẽ chắc chắn hơn.
Ở một khu vực mà tỷ lệ nghèo còn cao như ĐBSCL thì một cách làm như của Đồng Tháp là rất đáng ghi nhận. Chính quyền địa phương mạnh dạn xác định mục tiêu về xuất khẩu lao động, áp dụng chính sách hỗ trợ phù hợp và chọn cách làm có trách nhiệm với người lao động thì những tác động tích cực của chương trình xuất khẩu lao động đã giúp làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân, của nhiều gia đình nghèo.
Nhưng con số chung của các tỉnh ĐBSCL là 5,6% so với cả nước trong việc tiếp cận chương trình xuất khẩu lao động cũng cho thấy, có thể nhiều địa phương vẫn còn chưa thoát khỏi những định kiến chật hẹp trong vấn đề này. Và định kiến chật hẹp, trong trường hợp này, sẽ phải đánh đổi bằng những cuộc đời đói nghèo kéo dài từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nhiều gia đình.
Đó là chưa kể cần đặt ra câu hỏi: Tại sao cùng trong khu vực, mặt bằng kinh tế, dân trí và văn hóa tương đồng, có nơi làm tốt như Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp còn những nơi khác thì kêu khó. Phải chăng bắt nguồn từ yếu tố quản lý, tổ chức và nhiệt tâm của cán bộ được phân công?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.