‘Độc quyền’ nợ thuế

13/11/2015 06:53 GMT+7

Hôm nay, QH sẽ cho ý kiến về hai dự thảo luật thuế sửa đổi, trong đó có đề xuất xin xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước để tạo điều kiện đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại.

Hôm nay, QH sẽ cho ý kiến về hai dự thảo luật thuế sửa đổi, trong đó có đề xuất xin xóa nợ thuế cho các doanh nghiệp nhà nước để tạo điều kiện đẩy nhanh kế hoạch cổ phần hóa, giao, bán, khoán, sắp xếp lại.

Theo lý giải, các “đầu tàu” kinh tế này làm ăn không hiệu quả, âm vốn chủ sở hữu, nợ cả tiền thuế lẫn tiền phạt lên tới hàng nghìn tỉ đồng do nền kinh tế khó khăn, lạm phát tăng cao; thiên tai hạn hán liên tiếp, nợ xấu tăng, thị trường bất động sản trầm lắng...
Đành rằng, miễn giảm, xóa nợ thuế là giải pháp quan trọng để nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân trong lúc khó khăn, làm ăn thua lỗ vì nguyên nhân khách quan; đồng thời cũng giúp nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, giải pháp này cần phải dựa trên những nguyên tắc hết sức công khai, minh bạch và đảm bảo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khu vực DN. Khi túi tiền quốc gia ngày một teo tóp; người dân còn phải gánh hàng trăm loại thuế, phí; DN tư nhân vật lộn trong khó khăn... thì nhà nước không thể “ban ơn”, tạo cơ chế để xóa nợ thuế cho một bộ phận DN quốc doanh làm ăn thua lỗ, kém hiệu quả, nợ nần chồng chất.
Lâu nay, trong khi các DN ngoài nhà nước phải vật lộn tự làm tự ăn, đói vốn, đói cơ chế hỗ trợ thì DN nhà nước nhận được quá nhiều ưu đãi, đặc quyền đặc lợi từ bảo lãnh vay vốn, tài nguyên, khai thác thị trường, độc quyền sản phẩm... Lợi thế lớn, nhưng lại làm ăn kém hiệu quả, đóng góp ngân sách hạn chế, thậm chí phá sản. Điển hình là trường hợp của hai tập đoàn Vinashin, Vinalines. Hai “quả đấm thép” này trước khi được tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình đã để lại khoản nợ hàng chục nghìn tỉ đồng, hậu quả vô cùng nặng nề.
Đã kinh doanh trên thương trường thì phải chấp nhận một nguyên tắc bất di bất dịch lời ăn lỗ chịu, dù DN đó là ai, ở khu vực nào. DN tư nhân nợ thuế bị phạt, bị bêu tên; người dân nợ thuế bị gửi trát đến tận nhà; bị bủa vây bởi hàng trăm loại phí, lệ phí nhưng mỗi năm vẫn nộp ngân sách hơn 50.000 tỉ đồng thuế thu nhập cá nhân. Vậy không hà cớ gì DN nhà nước lại một mình một kiểu, một mình một sân để được ưu đãi xóa nợ thuế.
Ngân sách đang phải co kéo các nguồn để tăng chút ít lương cho cán bộ, công chức; mỗi người dân đang phải gánh hơn 1.000 USD nợ công mỗi năm thì càng phải thắt lại kỷ cương, kỷ luật tài chính. Một đất nước để nợ thuế lên tới 73.000 tỉ đồng sẽ không có nguồn thu nào bù đắp nổi. Khó khăn thì xin giảm, miễn; nợ nần lớn quá thì xin xóa... nếu cứ gật đầu với cơ chế xin - cho như vậy sẽ càng khuyến khích tình trạng chây ì nợ, trốn thuế nở rộ.
Đối với DN, không kể nhà nước hay tư nhân nếu làm ăn chân chính, bài bản nhưng gặp khó khăn tạm thời, nhà nước thấy có đủ sức phục hồi, có khả năng sản xuất kinh doanh hiệu quả mới nên xem xét nhưng cũng phải thận trọng và công khai, minh bạch. Còn các DN nhà nước cổ phần hóa không nằm trong lĩnh vực thiết yếu, an ninh quốc phòng cần nắm giữ quyền kiểm soát để thua lỗ, nợ đọng thuế, gây thất thoát tài sản nhà nước cần thiết phải cho phá sản, dừng hoạt động. Thậm chí phải truy thu nợ đến cùng, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân, tổ chức, không thể cho DN nhà nước được “độc quyền” cả nợ thuế, xóa nợ rồi xóa nhòa luôn cả trách nhiệm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.