Đói nghèo và công lý

17/10/2006 00:13 GMT+7

Hôm qua, nhân Ngày Quốc tế xóa đói nghèo, tại Trung tâm hội nghị của Liên Hiệp Quốc (UNCC) ở Bangkok, Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) đã công bố bản Báo cáo năm 2006 về "Tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ" trong khu vực (gồm 53 quốc gia và vùng lãnh thổ).

Việt Nam được xếp hàng đầu trong nhóm 8 quốc gia "đang đi về phía trước" trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, gồm Armenia, Azerbaijan, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Malaysia, Palau, Thái Lan và Việt Nam.

Đón nhận tin vui này hẳn mỗi người dân Việt Nam đều tự hào và có quyền hy vọng một tương lai tươi sáng hơn cho nền kinh tế nước nhà, và cho một cuộc sống ngày càng ấm no hạnh phúc trong mỗi gia đình. Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, ông Nguyễn Duy Hưng vui mừng cho biết ông rất tự hào trước bạn bè quốc tế về những thành tựu xóa đói giảm nghèo mà Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, và thế giới đánh giá cao những thành tựu đó.

Thế nhưng, không chỉ có tự hào và hy vọng. Thách thức đang và ngày càng hiện rõ khi Việt Nam dần bước vào ngưỡng cửa của một sân chơi toàn cầu với những điều kiện và luật chơi khắc nghiệt. Nguy cơ đói nghèo vẫn đè nặng lên cuộc sống mỗi người dân lao động, người làm thuê, khi mà các công cụ bảo hộ thương mại được các nước phát triển đem ra áp đặt lên sức lao động giá rẻ và những cơ sở sản xuất với quy mô "lấy công làm lời" của Việt Nam. Vụ kiện chống bán phá giá các sản phẩm cá da trơn của Việt Nam xuất vào Mỹ, vụ kiện chống bán phá giá sản phẩm giày mũ da vào thị trường châu u là hai minh chứng sinh động...

Hầu như ai cũng biết sở dĩ hàng hóa Việt Nam vào thị trường thế giới với giá rẻ là nhờ giá nhân công thấp, cộng với các điều kiện thiên nhiên ưu đãi, chứ không xuất phát từ sự trợ giá của Nhà nước. Thế nhưng, ở vị thế một quốc gia bị coi là "chưa có nền kinh tế thị trường", sự phản kháng của Việt Nam xem ra chỉ như "con kiến kiện củ khoai". Chia sẻ điều này, tờ International Herald Tribune ngày 1.3.2006 có bài phân tích cho rằng công nhân Việt Nam bị kẹp giữa hai gọng kìm: chịu mức lương thấp trong môi trường làm việc tồi tệ, đặc biệt là ở các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài, để sản xuất ra những hàng hóa có giá thành thật thấp, thấp đến mức khi ra thị trường bị nhầm là hàng bán phá giá; và kết cục là hứng chịu mất việc làm khi các quốc gia nhập khẩu áp đặt thuế chống bán phá giá lên hàng hóa do họ làm ra.

Các chuyên gia nhận định, trong tương lai, khi gia nhập WTO, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam không chỉ là năng lực cạnh tranh, mà còn là các vụ kiện, hàng rào thuế quan, và hàng rào tiêu chuẩn. Trong bối cảnh đó, đối tượng có nguy cơ bị tổn thương cao nhất là những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ, nông dân và người làm thuê, mà phần đông trong số họ là đối tượng của mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Thế nên, trong lời tuyên thệ "Hãy đứng lên chống lại đói nghèo" tại UNCC sáng 16.10, bà Joana Merlin-Scholtes, Điều phối viên và Đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan nói rằng: "Chúng ta đứng lên không để kêu gọi (từ các quốc gia phát triển) nguồn hỗ trợ từ thiện, mà là công lý".

Bản báo cáo của UNESCAP cũng kết thúc với hai kiến nghị (đối với các quốc gia phát triển), đó là: lập quỹ hỗ trợ các quốc gia khó khăn nhất, và xóa bỏ các hàng rào thương mại. Xem ra, cho người nghèo cái cần câu vẫn chưa đủ, phải cho họ cái quyền được câu cá một cách bình đẳng nữa.

Thục Minh
(PV Thanh Niên thường trú tại Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.