Động lực cho TP.Thủ Đức

30/12/2020 04:21 GMT+7

Việc ra đời của TP.Thủ Đức là một dấu ấn mới trên định hướng phát triển của TP.HCM. Trong đó, doanh nghiệp vừa là tác nhân bị tác động, vừa là đối tác với chính quyền TP.HCM trong việc xây dựng TP.Thủ Đức.

Với doanh nghiệp, lo lắng nhất là việc thay đổi giấy tờ, chậm trễ về mặt thủ tục nhà đất, thuế, đầu tư, đứt quãng về các dịch vụ công như an ninh, trật tự đô thị... Song, doanh nghiệp không chỉ lo lắng về những điều đó, mà còn là việc doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ làm được gì, tham gia như thế nào, có những lợi ích gì và đóng góp được gì.
Bởi trong mọi sự phát triển chung của một thành phố, doanh nghiệp luôn đóng vai trò như một đối tác. Nhiều chuyên gia cũng đã khẳng định rằng để TP.Thủ Đức thực sự mang định hướng sáng tạo, tương tác cao, hứa hẹn trở thành cực tăng trưởng mới của TP.HCM, sự đóng góp của các doanh nghiệp có vai trò cực kỳ quan trọng.
Suốt những năm qua, đổi mới sáng tạo hay là chết đã trở thành một phương châm hành động của hầu hết doanh nghiệp. Trong bối cảnh như vậy, TP.Thủ Đức cần sớm nhất công bố một quy hoạch tổng thể như một “hoa đăng” cho “đoàn tàu” - nơi có sự tham gia của các doanh nghiệp. Thực tế, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, bán lẻ, kinh doanh ăn uống, giải trí… đang rất cần những chỉ dấu rõ ràng để định vị chiến lược và xác định ưu tiên của mình.
Nhóm doanh nghiệp này chưa phải là đối tác chính về “sáng tạo”, nhưng là những người làm nên sự “tương tác cao” từ những con đường, khu phố, nhà ở, công viên, cây xanh, siêu thị, trung tâm thương mại. Đây là mạch máu quan trọng để làm nên đô thị.
Từ những yếu tố trên, bản quy hoạch của chính quyền đưa ra không chỉ là một quy hoạch đô thị mà phải mang tầm một quy hoạch chiến lược với những tiêu chuẩn cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề phát sinh về giao thông, an ninh trật tự…
Bởi các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong muốn tham gia vào những ngành nghề mới, các cơ chế hợp tác cần toàn diện hơn là một bản quy hoạch. Các công ty công nghệ cao không cần nhiều hạ tầng, nhưng cần nguồn nhân lực cao cấp, cũng như các chính sách đặc thù trong việc hỗ trợ nghiên cứu, ưu đãi về thuế trong xuất nhập khẩu các mặt hàng kỹ thuật cao cấp. Những nhà đầu tư vào giáo dục, công nghệ cao đòi hỏi một cơ chế ứng xử công bằng giữa lĩnh vực công và tư, hay cho phép họ thử nghiệm những sản phẩm mới, công nghệ mới mà quy định pháp luật không cấm.
Thậm chí, chỉ cần chính quyền TP đưa ra các “đầu bài” chi tiết, doanh nghiệp cũng sẵn sàng cùng chung tay “giải toán”. Cụ thể như, TP.Thủ Đức cần bao nhiêu công trình công cộng, mảng xanh, đường sá cần hoàn thành trong 5 năm tới? Bao nhiêu học bổng, bao nhiêu chương trình hỗ trợ nghiên cứu các trường đại học được mong muốn triển khai? Bao nhiêu dự án ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo có thể cùng chia sẻ và dùng chung nguồn lực và mạng lưới với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hàng đầu?
Tất cả có thể nói ngắn gọn rằng doanh nghiệp rất cần một cơ chế ở TP.Thủ Đức vừa thành lập. Trong đó có cả những tiêu chí đánh giá hiệu quả cụ thể đối với từng cơ quan chức năng nhằm giao và kiểm soát trách nhiệm. Có như thế, doanh nghiệp mới trở thành động lực của TP.Thủ Đức tương lai! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.