Đừng để dân 'nhờn luật'

14/11/2020 06:31 GMT+7

Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng nhờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi.

Dư luận đang rất quan tâm đến việc tăng mức xử phạt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng, đặc biệt là hành vi bán thuốc lá, rượu bia cho người dưới 18 tuổi, được quy định trong Nghị định 117/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Nhưng trớ trêu, những người lạc quan nhất hiện cũng không mấy tin rằng quy định tốt đẹp này sẽ được thực thi trong thực tế.
Tại sao? Bởi vì chúng ta dường như đã có trải nghiệm thất bại của Nghị định 155/2016/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (có hiệu lực từ 1.2.2017): phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại nơi công cộng; Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại nơi công cộng; Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố...
Quy định rất đúng, rất hay nhưng vấn đề quan trọng là không ai chấp hành và cũng không có lực lượng nào xử phạt. Rác vẫn được xả ở bất kỳ đâu, khói thuốc vẫn vô tư nhả ở nơi công cộng, thậm chí ngay trước mặt lực lượng chấp pháp.
Khi được hỏi về việc tại sao không thể xử phạt các hành vi vi phạm kể trên, câu trả lời phổ biến của tất cả cán bộ đô thị là “lực lượng mỏng”. Lực lượng mỏng nên đương nhiên không lấy ai để suốt ngày đi kiểm tra tiểu bậy, dán tờ rơi, chứ nói gì đến việc xả rác, hút thuốc nơi công cộng - giải thích ấy rõ ràng là có lý. Nhưng có lý không khi mà pháp luật cứ quy định và không ai chấp hành, từ người dân cho đến lực lượng chức năng? Pháp luật về xử phạt hành chính bị vô hiệu do nhận thức chấp hành của người dân hạn chế, điều đó đúng. Nhưng việc cung cấp đủ điều kiện để đảm bảo pháp luật phải là trách nhiệm của cơ quan chính quyền. Không áp đặt được việc tuân thủ pháp luật ấy là một thất bại.
Tâm sự của rất nhiều người Việt rằng “đi nước ngoài không dám vứt bừa một mẩu giấy chứ đừng nói hút thuốc nơi công cộng, nhưng về Việt Nam là ý thức đó bỗng dưng biến mất”, đã chứng minh thực tế: Chính do lực lượng chức năng không bảo đảm việc áp đặt pháp luật, nên đã biến nhiều quy định pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực xử phạt hành chính, thành những quy định mơ mộng, thiếu khả thi. Người dân nghe biết vậy chứ không cần lưu tâm, thậm chí sẵn sàng vi phạm.
Một xã hội được quản lý theo pháp luật là xã hội văn minh. Nhưng nếu cứ cho ra đời các quy định xa rời thực tế hoặc thiếu khả thi thì có thể dẫn đến hệ quả ngược lại, còn tệ hơn là không ban hành. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo ra tình trạng nhờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi. Một lần công dân không chấp hành cũng không sao thì lần sau họ cũng sẽ không chấp hành. Một người không chấp hành, nhiều người cũng sẽ không chấp hành.
Cứ như vậy, ý thức pháp luật của người dân dần bị xói mòn từ bên trong. Không chỉ người dân không chấp hành mà nguy hiểm hơn là cả người có trách nhiệm thực thi công vụ cũng coi việc không thực thi đó như chuyện đương nhiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.