Đúng, nhưng đừng dễ dãi

05/03/2017 01:49 GMT+7

Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) vừa công bố việc sẽ từ chối phục vụ (không cho lưu thông vào) đối với những xe khách cố tình đón/trả khách dọc theo các tuyến cao tốc.

Trong bối cảnh giao thông hỗn loạn như hiện nay, biện pháp chế tài ấy của VEC mang ý nghĩa tích cực nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông vốn tiềm ẩn trên đường cao tốc. Song, cách mà VEC du di cho tài xế xe đò “được” tái phạm việc đón/trả khách đến lần thứ 6 trên đường cao tốc mới có biện pháp chế tài xem ra không ổn.
Chúng ta đều biết một khi xảy ra tai nạn trên đường cao tốc thì hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào, vì xe cộ lao đi với vận tốc trung bình 100 km/giờ. Do đó, ở các nước có hệ thống giao thông đường bộ phát triển, tài xế chỉ được dừng lại ở làn lánh nạn trên cao tốc một khi chiếc xe gặp sự cố hỏng hóc. Còn việc xe khách bất thình lình dừng lại trên đường cao tốc để đón/trả khách hình như chỉ diễn ra tại… VN. ở các nước phát triển không bao giờ có chuyện này.
Đón/trả khách trên đường cao tốc đều có lỗi từ phía tài xế và cả hành khách. Vì muốn vào được đường cao tốc để đón xe, người ta phải cắt hàng rào bảo vệ hai bên để chui qua. Hành vi này coi như phá hoại tài sản quốc gia, cần phải xử lý thích đáng.
Đáng lẽ đã đến lúc chúng ta buộc phải mạnh tay hơn, chứ không thể như cách mà VEC muốn thực thi. Có nghĩa là không cho bất cứ xe khách nào dừng lại trên đường cao tốc đón/trả khách dù chỉ 1 lần, chứ không phải 6 lần như đã nêu. Và, cho dù chỉ vi phạm 1 lần thôi, anh tài xế xe khách ấy phải bị tước bằng lái ngay lập tức. Giống như bên ngành hàng không dân dụng, nếu ai đó có hành vi đe dọa đến an toàn bay, người ấy có thể buộc cấm bay vài tháng, vài năm, thậm chí cấm bay suốt đời. Một biện pháp răn đe hữu hiệu.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nhận biết xe nào vi phạm? Đã có câu trả lời: từ 10.3.2017, VEC đưa Trung tâm quản lý điều hành giao thông (ITS) vào hoạt động trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với cả thảy gần 70 camera giám sát và thăm dò xe cộ lưu thông suốt tuyến. Từ hoạt động này, ITS sẽ thu được hình ảnh của những chiếc xe vi phạm, chuyển cho cơ quan chức năng xử lý. Một khi tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn cõi VN đều được thiết lập ITS thì câu chuyện quản lý của chúng ta chắc chắn sẽ hiệu quả hơn.
Từ xa xưa, người Việt có thói quen cứ đứng dọc theo quốc lộ là đón được xe đò. Tuy nhiên, cách thức đón xe kiểu ấy không còn phù hợp kể từ khi VN xây dựng đường cao tốc, ngày càng nhiều dự án, kể cả cao tốc bắc - nam trong tương lai. Sẽ đến một ngày nọ, toàn bộ xe đò kinh doanh theo kiểu chính quy đồng loạt phóng ào ào trên đường cao tốc, buộc hành khách phải chịu khó ra bến xe hoặc mua vé qua mạng rồi đến những trạm dừng chân cố định để lên xe, chấm dứt cảnh chui qua hàng rào đường cao tốc như hiện nay. Đường cao tốc ở VN “sinh sau đẻ muộn” cho nên những sự cố ngoài ý muốn đều có thể xảy ra. Tuy nhiên, một khi tất cả xe đò đều không dừng lại để đón khách, vì biết rõ hành động đó đồng nghĩa với việc kết thúc chuyện làm ăn của mình, thì dẫu có khách đợi cũng phải coi như “gặp nhau làm ngơ” trên đường cao tốc. Khi đó người dân ắt sẽ hiểu mình phải làm gì và bài toán về an ninh giao thông sẽ không khó giải.
VEC đừng tiếc khoản doanh thu nhỏ mà du di cho vi phạm nguy hiểm đến mấy lần - bởi mỗi lần du di đó tiềm ẩn rủi ro và thiệt hại có thể khôn lường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.