‘Gà đẻ trứng vàng’ khó buông

11/06/2016 05:28 GMT+7

Chuyện Bộ Tài chính 'đòi' 2 ngân hàng BIDV và VietinBank chia cổ tức một lần nữa khiến câu chuyện thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước lại được xới lên.

Dù bộ này đã chính thức lên tiếng rằng, việc đòi cổ tức không phải vì ngân sách khó khăn mà "thực hiện đúng quy định của pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội" thì chuyện ngân sách khó khăn vẫn là thực tế. Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước tính đến giữa tháng 5 ước đạt 346.200 tỉ đồng, trong khi tổng chi ngân sách lên đến 412.600 tỉ đồng. Như vậy, trong chưa đầy 5 tháng, ngân sách bội chi 66.400 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ USD. Đây là mức bội chi lớn trong bối cảnh các thuế quan được cắt giảm. Bội chi tất yếu sẽ góp phần dẫn đến nợ công tăng cao lên.
Báo cáo “Đánh giá thực trạng nợ công tại VN giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2016 - 2020” của Trung tâm nghiên cứu BIDV mới công bố cũng cho thấy, nợ công năm 2015 đã áp sát ngưỡng kiểm soát 65% của Quốc hội, lên đến 2,608 triệu tỉ đồng, tương đương 62,2% GDP. Còn căn cứ theo tiêu chuẩn quốc tế, theo ước tính của nhiều chuyên gia, tỷ lệ nợ công/GDP đã vượt mức 100%. Đặc biệt, tình trạng vay để trả nợ gốc ngày càng tăng. Nếu như năm 2014 là 80.000 tỉ đồng thì năm 2015 đã lên tới 150.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, khả năng gia tăng thu ngân sách/GDP giảm mạnh, cụ thể năm 2011 là 25,9% xuống 22,1% năm 2015 và dự kiến tiếp tục giảm. Đưa ra các con số để thấy, ngân sách vẫn đang rất căng thẳng.

Nhưng không phải không có giải pháp tạm thời giảm căng cho ngân sách. Đầu tháng 5 vừa qua, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI) có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị bán đứt vốn nhà nước tại Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng công ty bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco). Hiện nhà nước vẫn đang nắm cổ phần lớn tại 2 đơn vị này lần lượt với tỷ lệ 90% và 82%, nhưng sau hơn 8 năm cổ phần hóa, tình hình kinh doanh tại những đơn vị này ngày càng đi xuống. Đơn cử lợi nhuận của Sabeco cách đây 10 năm gấp đôi Vinamilk, nhưng hiện giờ chỉ còn bằng 1/3.
Theo VAFI, nếu thương vụ này được hoàn tất, Chính phủ có thể thu về trên 3 tỉ USD. Đây không phải lần đầu tiên VAFI lên tiếng về vấn đề này. Cuối năm 2013, hiệp hội này cũng đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ giải pháp thoái hết vốn tại các doanh nghiệp nhà nước để cứu ngân sách.

Đến cuối năm ngoái, Chính phủ cũng yêu cầu Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn nhà nước tại nhiều đơn vị trong chỉ riêng nhóm 10 doanh nghiệp lớn có thể thu về khoảng 3 tỉ USD. Thế nhưng, danh sách bán vốn của SCIC năm nay lại không có những cái tên vốn được coi là "con gà đẻ trứng vàng" mà nhà đầu tư đang chờ đợi.
Tất nhiên, thoái vốn nhà nước để bù đắp ngân sách chỉ là giải pháp tình thế. Vấn đề quan trọng hơn của việc thoái vốn là phân bổ lại nguồn lực, giảm bớt cồng kềnh của khối doanh nghiệp quốc doanh, tạo điều kiện cho tư nhân - khối vẫn được đánh giá hiệu quả hơn hẳn - phát triển. Làm vậy, chúng ta sẽ tối ưu hóa được quản lý, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nguồn thu thuế của nhà nước cũng tăng hơn.
Cứ giữ rịt lấy những "con gà đẻ trứng vàng" thì chuyện trái khoáy, cơ quan quản lý ép doanh nghiệp chia cổ tức khi đại hội cổ đông đã quyết chắc chắn sẽ còn xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.