Giá nào nông dân cũng thiệt

06/07/2018 05:19 GMT+7

Có lẽ chưa bao giờ làm nông nghiệp lại thấp thỏm như hiện nay. Giá rớt đã khổ, giá cao cũng nơm nớp không yên.

Ở thời điểm hiện tại, giá heo VN đang cao nhất thế giới.
Giá tăng, lẽ ra người nuôi phải vui mừng khôn xiết song thực tế không hẳn vậy.
Để lên đến "đỉnh" này, giá heo đã tăng suốt thời gian qua. Nhưng khi giá mới nhen tăng, nông dân lại không có nhiều heo để bán. Họ mới trải qua một mùa vụ treo chuồng do thua lỗ, tái đàn không kịp. Nên nói "được giá", họ có hưởng lợi bao nhiêu. Giờ giá lên tới đỉnh thì thịt nhập giá rẻ hơn tràn vào. Nếu không tỉnh táo, thấy giá cao mà tăng đàn tràn lan thì kịch bản khi heo đầy chuồng, giá rớt thê thảm không ai mua lại tái diễn.
Không chỉ là vấn nạn được mùa rớt giá, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế VN với thế giới hiện nay, những sự kiện chính trị, kinh tế trên toàn cầu đều có thể tác động trực tiếp đến việc nuôi trồng của từng người nông dân, tác động trực tiếp tới giá cả nông sản mà họ làm ra. Sở dĩ thịt heo Mỹ nhập vào VN tăng mạnh và dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục là do ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà xuất khẩu Mỹ đẩy mạnh thịt heo sang VN. Lại đúng lúc giá thịt heo ở VN cao ngút, thịt nhập tự có đất sống khỏe. Chuyện này cũng chẳng có gì mới mẻ. Thương mại xuyên biên giới cũng giống như trong nội địa, luôn phải đa dạng hóa thị trường, tìm chỗ dễ, chỗ trống, chỗ được giá để bán hàng. Cũng như cá tra VN gặp khó ở Mỹ thì tìm đường xuất qua Trung Quốc.
Nhưng thương mại hiện nay, đặc biệt là thương mại trong hội nhập không có chỗ cho một nền sản xuất, nuôi trồng hồn nhiên. Thế giới muốn rau quả sạch, chúng ta phải trồng an toàn; thế giới dư cung, chúng ta phải giảm hàng; đối tác bị áp thuế cao ở đâu đó thì trong nước dè chừng trước sự tấn công của hàng ngoại... Chỉ có điều, việc quy hoạch nuôi con gì, trồng cây gì, ở đâu, bao nhiêu; chuyện dự báo thị trường; tổ chức hệ thống phân phối, kết nối doanh nghiệp để xuất khẩu, xây dựng ngành công nghiệp chế biến... là chuyện của các bộ, ngành, hiệp hội. Việc của người nông dân là nuôi trồng đảm bảo chất lượng. Phải phân vai và mỗi người, mỗi đơn vị ít nhất phải làm tròn vai của mình. Người nông dân không thể vừa nuôi trồng, vừa nghe ngóng xem bao giờ Trung Quốc áp thuế thịt heo của Mỹ, rồi phân tích xem khả năng Mỹ chọn VN hay nước nào để tiêu thụ thịt thay thế thị trường Trung Quốc, để tính toán tăng hay giảm đàn, để bán giá cao hay giá thấp.
Còn chúng ta hiện nay thì sao? Giá xuống thì kêu gọi giải cứu. Giá lên thì ồn ào khuyến cáo, ồn ào lo lắng, quan ngại...; còn người nông dân thì vẫn vô tư nuôi trồng.
Thế nên là nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, nông dân VN vẫn rơi vào tình thế, giá xuống thì lỗ mà giá cao lại thấp thỏm không yên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.