Giơ lưng chịu trận?

18/12/2012 03:20 GMT+7

Quy định của pháp luật hiện nay đang khiến cho những người phản ứng chống lại cái xấu một cách cương quyết đôi khi phải lâm vào cảnh thiệt cả đôi đường. Đó là nghịch lý. Dưới góc độ dân dã, có thể hiểu rằng phòng vệ chính đáng là hành vi mà chúng ta tự cứu bản thân hoặc người khác khỏi nguy hiểm.

>> Phạm tội vì chống lại cái xấu
>> Phạm tội vì chống lại cái xấu - Nỗi đau của người cha
>> Phạm tội vì chống lại cái xấu: Luật đang dung túng cái xấu ?

Theo luật thì phòng vệ chính đáng không bị coi là phạm tội nhằm khuyến khích mọi công dân đấu tranh chống lại tội phạm cũng như ngăn chặn, hạn chế những thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, trên thực tế, ở một khu đất có tranh chấp, A. dùng gạch đập vào đầu B. gây thương tích; B. phản ứng dùng tay đấm trúng vào mắt A. Cuối cùng B. phải ra tòa vì cố ý gây thương tích cho A. 29%. Một người bảo vệ vì bắt trộm, đánh nhau làm chết tên trộm; hay một nhóm thanh niên côn đồ dùng nón bảo hiểm xông vào đánh một thanh niên chỉ vì nhìn thấy ghét, thanh niên này phản ứng chống trả bằng một nhát dao gây chết người… Họ đều phải lãnh án, phải bồi thường thiệt hại về vật chất lẫn tinh thần và mang tiếng là tội phạm. Nhiều những trường hợp tương tự như trên xảy ra trong đời sống khiến cả xã hội suy ngẫm vì bị hại có thể trở thành kẻ phạm tội chỉ trong gang tấc. Bởi trong những trường hợp bị tấn công về thể xác, người bị tấn công cũng bị khống chế về tâm lý và chắc rằng không ai có đủ tỉnh táo để có thể suy xét tìm cách chống lại cái xấu sao cho "vừa đủ" để không gây án mạng, không bị xem là phòng vệ quá mức.

Từ 1985 đến nay, bộ luật Hình sự đã có sự phát triển khi có thay đổi lớn trong chế định phòng vệ chính đáng. Cụ thể, cụm từ “tương xứng” trong bộ luật Hình sự 1985 đến năm 1999 được thay bằng “cần thiết”. Trước đây, những hành vi chống trả phải “tương xứng” với hành vi xâm hại được nghĩ một cách máy móc là kẻ phạm tội dùng công cụ, phương tiện gì, thì người phòng vệ cũng phải dùng công cụ, phương tiện tương tự. Đến nay, việc xác định hành vi “chống trả một cách cần thiết” đã bộc lộ bất cập. Nhiều vụ án đưa ra xét xử, thẩm phán hỏi bị hại mà sau này thành bị cáo là tại sao không “bỏ chạy?”.

Nhiều người dân trăn trở và tự hỏi nếu gặp kẻ xấu tấn công, ta phải làm gì.

Với những quy định không rõ ràng hiện nay khiến giải pháp được chọn là: "bỏ chạy" hoặc "chịu trận", cứ để chúng đánh, chúng đâm rồi sau đó pháp luật xử lý chúng; dù có thể chúng ta sẽ là người tàn phế. Còn phản ứng chống lại mà lỡ tay kẻ xấu thiệt mạng thì ta cũng phải lãnh án vài năm, tốn tiền bồi thường. Như vậy, phải chăng người vô tội luôn thiệt cả đôi đường?

Đã là con người thì bất cứ ai cũng mưu cầu được sống. Trước sự tấn công đe dọa của kẻ xấu thì rất cần sự chống trả tích cực, cương quyết. Chỉ có sự chống trả tích cực mới có thể bảo đảm ngăn chặn có hiệu quả các thiệt hại do kẻ có hành vi xâm hại có thể gây ra. Cần phải thấy rằng những trường hợp phản ứng trước cái xấu cần được luật pháp bảo vệ bằng những quy định rõ ràng hơn.

Còn các quy định của luật pháp hiện nay khiến người dân dần “sợ” phản ứng trước cái xấu. Dẫn đến tâm lý thờ ơ, bàng quan trước những hành vi phạm tội; sợ phiền hà, liên lụy, né tránh việc thực hiện quyền phòng vệ chính đáng.

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.