Hoang mang giá sữa

22/09/2013 03:00 GMT+7

Giá sữa, đúng hơn, sự bất hợp lý của nó đang là nỗi lo của nhiều người dân, đặc biệt là những người có con nhỏ. Nỗi lo này càng nhân lên khi mới đây Bộ Y tế và Bộ Tài chính đều có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình về việc loạn giá sữa, nhưng trong đó quả bóng trách nhiệm được đưa qua, đẩy lại.

Đọc xong các báo cáo ấy, người dân thực sự hoang mang, vì không hiểu, sữa tăng giá 30 lần trong vòng 6 năm, trong đó sữa bột tăng gấp 30 lần giá trị, sữa nước tăng gần 200% là do đâu? Tại sao giá sữa bán lẻ trong nước hiện cao gấp 5 lần giá nhập?

Thực ra mà nói, sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi nằm trong danh mục bình ổn giá từ năm 2008, nhưng điều đó không làm cho giá sữa giảm mà ngược lại còn tăng nhanh như đã thấy. Do vậy, đúng là khó nói rằng vì thay đổi tên gọi mà dẫn tới việc tăng giá. Việc cố gắng đưa sữa vào mặt hàng hình ổn giá của Bộ Tài chính, thực ra chỉ là “sự tận tình của gấu” (theo truyện ngụ ngôn Nga, một con gấu đứng canh cho ông chủ ngủ đã dùng cả một tảng đá lớn để đánh chết con ruồi đậu trên trán chủ). Và rồi, việc “gọi cho đúng tên” căn cứ độ đạm, theo lý lẽ của Bộ Y tế cũng chỉ là một “sự tận tình” tiếp theo. Các cơ quan quản lý khi làm những việc đó đã hoàn toàn không để ý đến phản ứng của thị trường.

Thị trường sữa, cũng giống như mọi loại thị trường khác, giá cả do quy luật cung cấp xác định. Điều quan trọng nhất bây giờ không phải là việc có cần đưa các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm dinh dưỡng công thức, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng công thức (trước đây là sữa) trở lại danh mục bình ổn hay không, mà phải làm rõ nguyên nhân tại sao quy luật thị trường lại đang vận hành không bình thường như vậy.

Sữa bột nhập khẩu hiện đang chiếm 70% thị phần, thậm chí có đến 2/3 nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước phải nhập từ nước ngoài. Như vậy, chính sách quan trọng đầu tiên liên quan đến cung là phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập khẩu nguyên liệu. Điều này sẽ góp phần hạ giá thành của sữa và dân được nhờ.

Thứ hai, là phải chống độc quyền. Việc tăng giá sữa đồng loạt cùng mức, cùng thời điểm của các công ty sữa cần phải được xem xét điều tra hành vi lũng đoạn thị trường.

Khi thông tin sữa ngoại bị đẩy giá vô lý, rất nhiều người tiêu dùng đã chọn cách trở về với sữa nội. Tuy nhiên, cầu đối với sữa, đặc biệt là trẻ em và người già là một loại nhu cầu không thể trì hoãn, và như vậy khả năng mặc cả của người mua là rất hạn chế. Những nhà kinh doanh sữa đương nhiên rất hiểu điều đó để tăng giá liên tục như đã thấy. Giải pháp quan trọng nhất trong trường hợp này là phải có chính sách thông tin hữu hiệu về giá sữa. Căn cứ luật Giá, Bộ Tài chính cần xây dựng nguyên tắc xác định cơ cấu giá thành đầy đủ. Cơ quan thuế, hải quan cần kiểm tra số lượng, giá sữa nguyên liệu đầu vào, giá sữa thành phẩm nhập khẩu để có cơ sở so sánh với giá bán. Toàn bộ quá trình này đều phải được công khai thường xuyên, hằng ngày trên một website chuyên.

Thị trường phải được điều chỉnh bằng các quy luật thị trường. Đừng bận tranh cãi, để rồi biến những can thiệp của quản lý nhà nước thành "sự tận tình của gấu". 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.