Khi chính quyền ‘đi vắng’

05/01/2018 04:52 GMT+7

Từ tháng 12.2016, chủ cơ sở thu mua phế liệu tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) đã tập kết hàng tấn đầu đạn tại kho phế liệu giữa khu dân cư nhưng không ai lên tiếng, cho đến khi vụ nổ rạng sáng 4.1 cướp đi tính mạng của 2 trẻ em và làm bị thương 8 người khác.

Từ tháng 12.2016, chủ cơ sở thu mua phế liệu tại thôn Quan Độ (xã Văn Môn, Yên Phong, Bắc Ninh) đã tập kết hàng tấn đầu đạn tại kho phế liệu giữa khu dân cư nhưng không ai lên tiếng, cho đến khi vụ nổ rạng sáng 4.1 cướp đi tính mạng của 2 trẻ em và làm bị thương 8 người khác.
Việc hàng tấn đầu đạn được vận chuyển công khai giữa thanh thiên bạch nhật, không thể nói không phải là sự lạ.
Có thể trong những bữa cơm gia đình hay lúc trà dư tửu hậu, người dân Quan Độ đã không ít lần chuyện phiếm về kho đạn ấy. Trong những câu chuyện phiếm đó, có thể có ai đó là người nhà của công chức địa phương; hoặc thậm chí, chính công chức địa phương, nhưng không ai hành động.
Đơn giản vì đó không phải việc của họ. Không có nghị quyết, chỉ thị, văn bản hay mệnh lệnh nào của “sếp” giao cho họ việc đó.
An nguy của người dân, tiếc thay, lại không phải là mệnh lệnh.
Khi mỗi sự việc đau lòng xảy ra, truy nguồn gốc, thì thấy quy định, con người... đủ cả, chỉ có một thứ đi vắng, ấy là trách nhiệm. Đây không phải lần đầu tiên việc đó xảy ra, như trước kia chúng ta đã từng chứng kiến hàng chục vụ ngộ độc rượu liên tiếp tại nhiều địa phương khiến hàng chục người chết, lúc đó mới ớ ra là methanol được quản lý quá lỏng lẻo.
Như chúng ta đã từng chứng kiến những cơ sở sản xuất thực phẩm bẩn an nhiên tồn tại nhiều năm ngay trước mắt chính quyền địa phương, thản nhiên tỏa đi khắp nơi đầu độc cộng đồng.
Lỗ hổng quản lý hay lỗ hổng trách nhiệm?
Cả hệ thống giăng mắc với hàng vạn công chức, mà từ nhiều năm nay chúng ta liên tục nghe thông điệp về cắt giảm, về 30% công chức “cắp ô”, dệt nên một “lưới” quản lý tưởng là đặc kín đến thừa thãi, bỗng trống trải đến không ngờ khi có việc cần đến họ. Điều gì sinh ra một chế độ công vụ lãnh cảm như vậy?
Nếu công chức chỉ đến nhiệm sở đợi việc cấp trên giao, sẽ không ai đếm xỉa đến việc trong khu dân cư mình quản lý có một kho đạn. Khi tử tế với dân chưa có lợi, thì sẽ không ai phấn đấu tử tế. Khi “công bộc” chỉ mải miết trong vòng quay công quyền với bình bầu, bỏ phiếu, nâng lương, bổ nhiệm - những việc mà những ông bà chủ là người dân còng lưng lao động để trả lương không mảy may được can dự, thì những an nguy của ông bà chủ vẫn chưa phải việc của họ.
Người mẹ Quan Độ mất con đã bao giờ (và liệu có bao giờ) được chất vấn ông chủ tịch xã tại sao lại để tử thần ngay bên hông nhà mình?
Chẳng lẽ, cứ mỗi lần để hệ thống công vụ ngộ ra một nhiệm vụ của mình, lại có một vài người cha, người mẹ phải đổi những đứa con?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.