Khi giáo dục cốt để kinh doanh

06/12/2019 04:52 GMT+7

Lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục đã xem học sinh như “khách hàng tiềm năng” để kinh doanh từ đồng phục, trang thiết bị dạy học, SGK, sách tham khảo, các chương trình giảng dạy tiếng Anh...

Khó có thể chấp nhận hành vi tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhận thù lao hằng tháng của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam nhiều năm qua để phối hợp thực hiện bộ sách giáo khoa và ra sức khen ngợi bộ sách này khi theo luật Giáo dục, đây là những người sẽ chỉ đạo các trường học, giáo viên chọn sách giáo khoa (SGK) cho địa phương mình trong thời gian tới.
Thị trường SGK trước khi có chủ trương xã hội hóa luôn phức tạp và đầy rẫy những bí ẩn với một “thể chế” độc quyền. Thực hiện chủ trương một chương trình nhiều sách/bộ SGK, giờ đây các cá nhân, tổ chức có quyền biên soạn SGK.
Thay vì chỉ một nhà xuất bản (NXB) thì hiện nay có 6 NXB được phép biên soạn SGK. Sự đa dạng này hy vọng sẽ tạo ra một sân chơi lành mạnh. Thế nhưng NXB Giáo dục Việt Nam với nguồn lực tài chính dồi dào đã dễ dàng có lợi thế hơn hẳn, mạnh tay chi bạo để chi phối các bộ SGK mới nhằm lôi kéo thị trường SGK về phía mình.
Các chiến dịch giới thiệu, quảng bá, hội thảo rầm rộ... của NXB này trong thời gian qua, thậm chí để giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM công khai ca ngợi về một bộ sách do NXB thực hiện đều nhằm mục đích gợi ý cho các nhà trường chọn sách của mình.
Là một doanh nghiệp thì phải nghĩ đến lợi nhuận, nhưng cái cách mà NXB Giáo dục Việt Nam tiếp cận lại quá thô thiển, thiếu lành mạnh.
Vì vậy, việc NXB Giáo dục Việt Nam thông qua công ty con của mình chi trả thù lao hằng tháng cho tập thể lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khi phối hợp làm sách là một hành vi mà theo nhiều người có thể định danh như hối lộ.
Động thái này rõ ràng không thể chấp nhận được trong một “cơ chế” manh nha hình thành ở nước ta: Địa phương, nhà trường, người dạy được quyền lựa chọn SGK phù hợp cho học sinh của mình. Sự bắt tay này của NXB và Sở GD-ĐT đã và sẽ chi phối rất lớn đến sự lựa chọn SGK của các nhà trường.
Để thị trường SGK lành mạnh, nên giao quyền lựa chọn SGK một cách thực chất hơn cho giáo viên nhằm tránh tình trạng “vận động hành lang”. Nếu Nghị quyết 88 của Quốc hội trao quyền lựa chọn cho các nhà trường dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh, phụ huynh thì luật Giáo dục sửa đổi lại giao quyền này cho UBND cấp tỉnh.
Việc một NXB “vận động” cho hàng ngàn trường học, hàng chục ngàn giáo viên lựa chọn sách của mình khó hơn vạn lần so với việc chỉ cần “gõ cửa” đến lãnh đạo của 63 tỉnh, thành.
Điều đáng buồn nhất qua sự việc này là chính những người làm giáo dục nhìn học sinh của mình là một thị trường để kinh doanh.
Lãnh đạo các cấp trong ngành giáo dục đã xem học sinh như “khách hàng tiềm năng” để kinh doanh từ đồng phục, trang thiết bị dạy học, SGK, sách tham khảo, các chương trình giảng dạy tiếng Anh...
Thay vì nhìn học sinh như một đối tượng để kinh doanh, các nhà quản lý giáo dục cần nghĩ đến việc làm thế nào đào tạo nên nguồn lực tương lai với những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để sống tử tế và biết thích ứng với những đổi thay, biết sống chan hòa, thích đọc sách, có niềm vui trong học tập…
Đừng xem giáo dục là một thị trường kinh doanh.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.