Khi thầy cô quyên góp giúp học sinh

29/09/2020 04:36 GMT+7

Thời gian qua, tình trạng học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở bỏ học giữa chừng vẫn thường xảy ra tại các vùng nông thôn khu vực ĐBSCL. Nguyên nhân bỏ học phần lớn do hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Trước thực trạng trên, các thầy cô giáo ở Trường tiểu học và THCS Phong Đông (H.Vĩnh Thuận, Kiên Giang) đã xây dựng mô hình “Vận động gây quỹ giúp đỡ học sinh khó khăn đến trường”.
Thầy Mai Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Phong Đông, cho biết mô hình trên được áp dụng từ tháng 7.2016, với ban vận động gồm 12 người. Ban đầu, ban vận động xây dựng quy chế và đề xuất mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong năm phải vận động tối thiểu từ 100.000 - 200.000 đồng, bằng hiện vật hay bằng tiền mặt để chăm lo cho học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh khó khăn.
Bên cạnh đó, vận động cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh kêu gọi bạn bè, các nhóm từ thiện, công ty, xí nghiệp… ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo nhân dịp khai giảng năm học mới hay các ngày lễ sơ, tổng kết năm học. Đặc biệt, thông qua website của trường và các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo…, các thành viên trong ban vận động kịp thời đăng những hình ảnh học sinh khó khăn có nguy cơ bỏ học để kêu gọi các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ giúp đỡ... Học sinh nào thiếu gì thì giúp thứ ấy: thiếu tiền mua đồng phục thì được tặng đồng phục, thiếu tiền mua sách thì tặng sách giáo khoa; rồi tập vở, bút mực, bảo hiểm y tế... Những em học sinh nhà neo đơn, không có phương tiện đi lại còn được tặng xe đạp để đến trường được mau chóng, dễ dàng.
Từ khi xây dựng mô hình đến nay đã có 75 người tham gia; trong đó cán bộ, công chức, viên chức là 56 và 19 người là cha mẹ học sinh có điều kiện kinh tế cũng như uy tín để vận động mọi người quyên góp. Kết quả, ban vận động cùng với thầy cô giáo, chính quyền địa phương đã vận động các nhà hảo tâm, các nhóm từ thiện, các doanh nghiệp, các cá nhân... ủng hộ gây quỹ giúp đỡ 2.631 lượt học sinh khó khăn đến trường, với tổng số tiền gần 1 tỉ đồng.
Thầy Mai Văn Hùng cho biết nhờ mô hình này mà đến năm học mới 2020 - 2021, công tác huy động học sinh 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; huy động học sinh trong độ tuổi 6 - 11 đạt 98,8%; học sinh học hết chương trình tiểu học vào lớp 6 hằng năm đều đạt 99% trở lên; học sinh tốt nghiệp THCS hằng năm đều đạt 100%; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Có những học sinh được trao xe đạp, quần áo, sách vở, bảo hiểm của nhà tài trợ có học lực từ trung bình vươn lên khá, giỏi, thậm chí có em là thành viên đội tuyển nòng cốt của trường tham gia các cuộc thi các cấp tổ chức. Đến nay, trường không còn học sinh khó khăn nghỉ học giữa chừng.
Nỗ lực và kết quả trên có lẽ là mô hình mà nhiều địa phương nên nhân rộng để giải quyết tình trạng nghỉ học vì khó khăn, vốn xảy ra ở nhiều nơi. Nhưng xa hơn, vẫn là trách nhiệm của những người lãnh đạo ngành giáo dục cần tìm cách giải quyết các thách thức đôi khi bằng cách đơn giản nhưng thiết thực, hơn là các chương trình nghe quá vĩ mô.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.