Khó giảm lãi suất

18/10/2010 02:38 GMT+7

Ngày 15.10, một số ngân hàng (NH) công bố giảm lãi suất (LS) theo đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) lại phản ánh, họ vẫn nhận được "trát" tăng LS cho các hợp đồng vay vốn. Nghe có vẻ vô lý nhưng đây chính là "bản chất thật" của việc giảm LS hiện nay.

Một DN có trụ sở tại Q.3 (TP.HCM) cho biết, vài ngày trước thời điểm NH giảm LS theo đồng thuận với Hiệp hội Ngân hàng, công ty ông đã nhận được quyết định tăng LS từ 15%/năm lên 15,5%/năm cho hợp đồng đang vay tại một ngân hàng. Theo đó, từ nay đến giữa tháng 1.2011, công ty ông phải chịu mức LS 15,5%. "Thực ra, chúng tôi cũng chẳng trông mong gì giảm LS vì mức giảm huy động của các NH quá thấp. Nhưng ít nhất cũng đừng tăng chứ làm thế này thì chẳng khác nào đánh lừa khách hàng", vị này bức xúc. Đây cũng là bức xúc chung của nhiều DN và cá nhân đang vay vốn NH hiện nay. Tuy nhiên, rất khó để "bắt lỗi" các NH trong những trường hợp này bởi hợp đồng vay vốn giữa NH và khách hàng đều quy định 3 tháng điều chỉnh LS một lần. Vì vậy, trước giờ giảm LS, hầu hết hợp đồng đến hạn điều chỉnh đều được các NH đẩy LS tăng lên một cách hợp pháp.

Trên thực tế, dù đồng thuận giảm LS nhưng có rất nhiều yếu tố khiến việc giảm LS của các NH tại thời điểm này rất khó.  Đầu tiên là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang có xu hướng tăng cao. CPI tháng 9 đã tăng đột biến lên mức 1,31% so với tháng 8, làm dấy lên những quan ngại về lạm phát vượt mục tiêu đặt ra. Đương nhiên, khi CPI tăng thì LS không thể giảm vì nếu giảm, NH sẽ không thể huy động. Thứ hai là các chương trình khuyến mãi vẫn đã, đang và sẽ được các NH triển khai để cạnh tranh huy động trong những tháng cuối năm khiến chi phí vốn bị đẩy lên cao. Nói LS 11% nhưng nếu tính thêm các chương trình này thì LS huy động thực tế lên tới 12%- 13%. Vì vậy, khó có thể hy vọng LS cho vay sẽ giảm xuống. Đặc biệt, việc các DN, các tập đoàn kinh tế phát hành một lượng trái phiếu có giá trị cực lớn với LS từ 14%-16% là một cản trở rất lớn cho việc giảm LS từ phía các NH.

Năng lực tài chính yếu nhưng LS mà các DN phải chịu lại đang cao nhất thế giới. Việc này đang làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước trên thị trường thế giới. Vì vậy, việc giảm LS là yêu cầu khẩn thiết hiện nay.

Tuy nhiên, bài toán giảm LS cần có những chính sách thiết thực từ phía cơ quan điều hành chứ không chỉ là hô hào như hiện nay.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.