Khôi phục niềm tin

13/11/2008 01:00 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra hai loại xói mòn, đó là tài sản và niềm tin. Chưa ai có thể cân đo được, trong hai loại đó cái nào xói mòn nhiều hơn (vì chúng chuyển hóa cho nhau) và nước nào bị thiệt hại nhiều hơn.

Trước hết là xói mòn về tài sản. Bắt đầu từ nước Mỹ, đã có hàng triệu ngôi nhà bị tịch thu. Đã có hàng nghìn tỉ USD của các nhà đầu tư "bốc hơi". Đã có hàng triệu người bị mất hoặc thiếu việc làm. Ngân sách Mỹ vốn đã bị thâm thủng lớn, nay lại phải bỏ ra 700 tỉ USD để giải cứu, đưa số thâm thủng năm nay có thể lên đến hàng nghìn tỉ USD,... Các nước phát triển châu u ở xa trung tâm khủng hoảng tưởng rằng sẽ ít xói mòn tài sản hơn, nhưng mạnh như nước Đức, Anh, Pháp,... cũng đã phải bỏ ra hàng trăm tỉ USD để giải cứu; đồng euro, đồng bảng Anh xuống giá hàng chục phần trăm so với USD.

Các nước ở châu Á - vẫn được coi là ít bị ảnh hưởng hơn, thì nay cũng đã bị tác động ở nhiều mặt từ việc sụt giảm đầu tư trực tiếp, gián tiếp, xuất khẩu, giá của đồng nội tệ đến hàng loạt các vấn đề an sinh xã hội. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhiều năm có tốc độ tăng tiêu dùng mang dấu âm, có lãi suất cho vay rất thấp, gần đây hạ xuống chỉ còn 0,3%, có bài học xương máu về giá bất động sản, quản lý ngân hàng (đã bị trả giá về tốc độ tăng trưởng kinh tế rất thấp trong gần hai thập kỷ), nay xuất khẩu sang Mỹ bị sụt giảm nghiêm trọng, xuất khẩu sang Trung Quốc lại bị tắc và đã phải bỏ ra nhiều tỉ USD để giải cứu.

Trung Quốc nhiều năm tăng trưởng hai chữ số, có dự trữ ngoại hối lên đến trên 1.800 tỉ USD (lớn nhất thế giới), nhưng trước tình hình kinh tế, xuất khẩu tăng chậm và người dân "thắt lưng, buộc bụng", chính phủ đã đưa ra gói giải pháp lên đến 4.000 tỉ NDT, tương đương 586 tỉ USD. Đồng nội tệ của nhiều nước giảm giá so với USD lên đến trên dưới 10% chỉ trong vòng một tháng; Việt Nam đồng cũng bị giảm khoảng 6% trong thời gian tương ứng, nhưng thấp hơn nhiều so với đồng nội tệ của các nước trong khu vực, như won Hàn Quốc, đô la Singapore, đô la Úc, baht Thái, ringgit Malaysia,... Trong khi đó, nước Mỹ là nơi xuất phát điểm, là trung tâm đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính và sự cắt giảm lãi suất cơ bản liên tục với mức rất cao (từ 5,25% xuống còn 1%),... nhưng đồng USD lại lên giá và lạm phát ở Mỹ vẫn thấp. 

Cùng với tài sản là sự xói mòn về niềm tin. Chính sự xói mòn niềm tin đã khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán, làm cho chỉ số chứng khoán trên khắp thế giới đều bị mất điểm. Mặc dù chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã đưa ra các gói tài chính giải cứu khổng lồ nhưng cũng không phục hồi bền vững niềm tin vào thị trường. Nhiều ngân hàng cũng không dám cho vay. Nhiều nhà đầu tư cũng không dám vay. Người tiêu dùng cũng thắt chặt hầu bao không dám chi tiêu.

Tình hình càng làm cho tăng trưởng kinh tế bị suy thoái và đã có dự báo tăng trưởng kinh tế âm đối với nhiều nước lớn. Từ đó làm cho tốc độ tăng trưởng đầu tư, xuất khẩu của nhiều nước khác bị sụt giảm theo, dẫn đến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn cầu. Khi khủng hoảng tài chính thì xói mòn tài sản trước, xói mòn niềm tin sau. Nhưng muốn khắc phục khủng hoảng thì cần thực hiện quy trình ngược lại, đó là khôi phục niềm tin trước, khôi phục tài sản sau. Có niềm tin mới có đầu tư, sản xuất kinh doanh, mới tránh được trì trệ suy giảm, mới tránh được thất nghiệp, mới tăng được thu nhập, trên cơ sở đó mới tăng được tài sản.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.