Không có sự lựa chọn

14/08/2020 04:22 GMT+7

Biểu giá điện 6 bậc hiện hành hay 5 bậc, 1 bậc theo dự thảo mới của Bộ Công thương, cuối cùng thì người thiệt thòi vẫn là người dân, cũng là khách hàng của ngành điện lực.

Thiệt thòi lớn nhất là họ không có quyền lựa chọn. Bởi không dùng điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) thì đa số người dân chỉ có nước dùng đèn dầu mà thôi.
Trước khi đưa ra đề xuất biểu giá mới, giá điện là vấn đề nóng nhất trong thời gian vừa qua với hàng loạt vụ tiền điện tăng vọt gây bức xúc trong dư luận. Thế nên khi nghe được chọn áp mức giá điện 1 bậc hay 5 bậc, đa số đều “thở phào”, hy vọng rằng tiền điện sẽ giảm, quan trọng nhất là minh bạch, công khai.
Nghĩ vậy cũng là dễ hiểu, đề xuất điều chỉnh biểu giá điện đưa ra trong bối cảnh dư luận bức xúc giá điện cao, thiếu minh bạch... Nên suy luận đơn giản thì giá điện điều chỉnh sẽ giảm và minh bạch hơn. Thế nhưng biểu giá điện mới thực sự gây sốc cho tất cả mọi người với mức giá tăng vọt, lên gấp rưỡi, gấp đôi so với mức giá cũ. Cũng suy luận đơn giản thì đây là phản hồi kiểu “đấy, biểu giá cũ tốt hơn, rẻ hơn còn chê thì đắt cho bõ”...
Tất nhiên, đó chỉ là suy luận, chứ cơ quan quản lý nhà nước xây dựng biểu giá, có tham khảo ý kiến các chuyên gia, bộ ngành... chứ đâu phải chuyện hơn thua. Và biểu giá mới thực tế có giảm, cao nhất được gần 13.000 đồng/tháng, thấp nhất cũng gần 3.000 đồng cho các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh điện/tháng.
Riêng phương án điện 1 giá, phương án mà người dân mong chờ nhất, được nhiều người lựa chọn nhất trong một cuộc khảo sát trước đó của Thanh Niên (với 79% bạn đọc tham gia lựa chọn) vì tin rằng 1 giá sẽ minh bạch, rõ ràng thì mức giá tăng vọt. Tựu trung là sau bao nhiêu bức xúc, chờ đợi, hy vọng... thì người dân lại thêm một lần thất vọng tràn trề về dự thảo đề xuất giá điện của Bộ Công thương.
Cũng phải nói rõ ràng là hầu hết các bức xúc đều không vì giá điện đắt hay rẻ, chỉ là có quá nhiều yếu tố mà người mua điện cảm thấy không minh bạch. Ví dụ giá điện bình quân đã tính cả vốn cả lời, vì sao giá điện bán lẻ (tính toán dựa trên giá điện bình quân) lại cao hơn quá nhiều như vậy? Sao không minh bạch cơ cấu tính giá điện cho người dân theo dõi, giám sát?...
Nhưng quan trọng nhất, người dân muốn một thị trường điện cạnh tranh để họ, không hài lòng về giá, dịch vụ, chất lượng của nhà đèn này, có thể lựa chọn nhà đèn khác. Thế nhưng thị trường điện cạnh tranh đã được nói đến cả thập kỷ nay thì tới thời điểm này, EVN vẫn đang nắm khâu truyền tải, phân phối... nên về cơ bản, điện vẫn là EVN là ngược lại.
Hôm qua, Bộ Công thương đã có văn bản giải thích về các phương án giá điện trong dự thảo mới sau những ồn ào, bức xúc của dư luận. Chưa nói đến chuyện đúng - sai, hợp lý - vô lý, nhưng về cơ bản, không có sự lựa chọn, người mua sẽ luôn có lý do để bức xúc; không có sự lựa chọn thì người bán không có lý do để thay đổi, cạnh tranh...
Giá điện vì thế, chắc chắn sẽ tiếp tục là vấn đề gây nóng dư luận.

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị sửa đổi cách tính tiền điện

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.