Không vô can

06/07/2017 06:33 GMT+7

Tập đoàn Mường Thanh có lẽ là chủ đầu tư tạo nên kỷ lục trên thị trường bất động sản khi liên tục sai phạm cùng một nội dung ở nhiều công trình, tại nhiều địa phương. Vậy trách nhiệm của chính quyền các địa phương ở đâu khi để chủ đầu tư liên tục lộng hành?

Theo quy định pháp luật, UBND từng cấp được giao trách nhiệm trong việc quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn. Theo đó, tùy theo hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc lập biên bản đình chỉ thi công, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, điều này dường như chỉ được thực hiện đầy đủ với các công trình riêng lẻ của người dân, bất lực với các công trình đồ sộ của Tập đoàn Mường Thanh nói riêng và các dự án bất động sản lớn nói chung.
Việc sai phạm hàng loạt trong xây dựng của Tập đoàn Mường Thanh từng được lãnh đạo tập đoàn này giải thích trên báo chí rằng, là do vừa làm vừa xin giấy phép “thấy nơi này làm được nơi khác cũng làm được”. Như vậy, rõ ràng, cái sai của doanh nghiệp bắt nguồn từ sự buông lỏng trách nhiệm quản lý (vô tình hay cố ý?) của chính quyền các cấp.
Còn nhớ, khi sự cố 1 tháng 3 lần cháy xảy ra tại chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội) năm 2015, dư luận bức xúc, Hà Nội đã lệnh “thanh tra toàn diện” các dự án của Mường Thanh. Nhưng một quan chức Sở xây dựng tiết lộ: Chưa khi nào đoàn thanh tra thực hiện trọn vẹn một buổi làm việc với doanh nghiệp này. “Có những lần, đoàn thanh tra chưa xuống đến hiện trường đã có lệnh quay về”, ông này kể. Thế rồi, những quyết định thanh tra thực chất cũng chỉ để “yên lòng” dư luận trong giây lát, những sai phạm của doanh nghiệp vẫn cứ kéo dài từ ngày này qua ngày khác, kéo dài từ dự án này qua dự án khác.
Việc dự án khởi công xây dựng trong lúc đang xếp hàng xin giấy phép, thậm chí công trình xây gần xong vẫn chưa có giấy phép diễn ra. Còn chuyện chủ đầu tư xây vượt quá số tầng quy định đã không còn là xa lạ ở những địa bàn lớn như Hà Nội, TP.HCM. Sẽ không bao giờ có chuyện thanh tra hay cơ quan chức năng địa phương không biết, chỉ có thể là sự bao che không xử lý hoặc xử lý kiểu hời hợt. Chắc chắn rằng, doanh nghiệp, với bản năng tồn tại, sẽ không dám động thổ, xây dựng khi chưa được cấp phép nếu không có sự “bật đèn xanh” từ cơ quan quản lý.
Vậy ai là người đã bao che cho những sai phạm kéo dài của doanh nghiệp? Ai đã khiến các quyết định thanh tra bị vô hiệu hóa hoặc chỉ xử lý yếu ớt, hình thức? Hạch tội doanh nghiệp không khó, khởi tố một vụ án cũng không khó, nhưng để trả lời những câu hỏi trên sẽ quan trọng hơn nhiều. Bởi lẽ, nó sẽ bảo đảm pháp luật được thực thi, và rằng sẽ không còn những doanh nghiệp kinh doanh bất chấp luật pháp và an toàn tính mạng của cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.