Lại đòi tiền chuộc!

20/04/2010 00:12 GMT+7

Hồi giữa tháng 3.2010, tàu ông Tiêu Viết Là cùng 12 ngư dân ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi bị phía Trung Quốc bắt giữ trong lúc đang đánh cá hợp pháp tại vùng biển thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Phía Trung Quốc đã đưa ra “mức” 70.000 nhân dân tệ (khoảng 200 triệu đồng) tiền chuộc thì họ mới thả tàu và người. Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi công hàm đến Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động bắt người vô cớ và đòi thả số ngư dân nói trên vô điều kiện. Tuy nhiên, cho đến nay, số phận của con tàu đánh cá cùng 12 ngư dân ấy vẫn bặt vô âm tín.

Trong lúc “chuyện cũ” chưa được giải quyết thì mới đây, ngày 16.4.2010, phía Trung Quốc lại tiếp tục bắt giữ tàu của ông Mai Phụng Lưu cùng 11 ngư dân quê ở đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Con tàu này cũng đang khai thác cá hợp pháp trong khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Có khác chăng là, tàu của ông Lưu thì bị bắt ở gần đảo Đá Lồi, còn tàu ông Là bị bắt ở gần đảo Phú Lâm. Theo phản ảnh của một số ngư dân Quảng Ngãi vẫn “quen con nước” ở Hoàng Sa thì đảo Đá Lồi gần với Lý Sơn hơn Phú Lâm. Vậy là, phía Trung Quốc mỗi ngày lại mở rộng phạm vi truy đuổi và bắt bớ tàu cá của ngư dân Việt Nam thêm một chút!

Phạm vi mà họ “cấm” có khác so với trước đây, song mức tiền chuộc mà họ đưa ra thì không thay đổi - vẫn 70.000 nhân dân tệ. Đây là số tiền quá lớn so với mức thu nhập của những ngư dân nghèo vẫn thường khai thác cá ở khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhưng có lẽ, vấn đề không phải là nghèo hay giàu để có thể “chuộc” lại những chiếc tàu cùng số ngư dân bị bắt mà là ở chỗ, Hoàng Sa là lãnh thổ của Việt Nam, ngư dân Việt Nam có quyền hoạt động nghề nghiệp trên phần lãnh thổ của mình một cách hợp pháp, vì vậy, việc bắt giữ tàu cá Việt Nam của phía Trung Quốc là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với những công ước của luật pháp quốc tế.

Thống kê của ngành thủy sản Quảng Ngãi cho thấy, trong số 33 tàu cá cùng 373 ngư dân Việt Nam bị phía Trung Quốc bắt giữ trong vòng 5 năm qua thì số ngư dân Quảng Ngãi chiếm đến 95%! Có cảm giác rằng, hễ thấy chiếc tàu cá nào mang biển kiểm soát QNg (biển số của Quảng Ngãi) là y như rằng, phía Trung Quốc truy đuổi và bắt cho bằng được! Vì sao có sự trùng hợp một cách “khó hiểu” này? Ông Dương Tằm, một ngư dân ở xã Bình Châu, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, người từng nhiều lần thoát hiểm bởi sự truy đuổi của phía Trung Quốc, nói: “Vì Hoàng Sa là ngư trường quen thuộc của chúng tôi”. Bản thân hai chữ “quen thuộc” ấy đã nói lên rằng, từ rất xa xưa, khu vực quần đảo Hoàng Sa là chỗ đi-về của hàng vạn ngư dân Quảng Ngãi. Các ngư dân tỉnh này đã “quen con nước” ngay từ lúc họ còn đánh cá bằng những chiếc thuyền nan mỏng manh, không biết đến bộ đàm, không máy tầm ngư hay định vị, chỉ nhìn sao trời và hướng gió là đủ biết đó là phần lãnh hải của Tổ quốc mình rồi.

Đối với ngư dân Lý Sơn nói riêng và ngư dân Quảng Ngãi nói chung, giong buồm ra khơi thuở trước và nổ máy cho tàu trực chỉ Hoàng Sa hôm nay không chỉ đơn thuần là việc tìm kế sinh nhai nơi biển cả mà còn làm một nhiệm vụ thiêng liêng hơn nhiều: khẳng định chủ quyền của quốc gia trên vùng biển ấy. Tổ quốc luôn thấp thoáng sau mỗi cánh buồm của họ, vì vậy, đừng hỏi vì sao mỗi lần ra khơi nơi Hoàng Sa là một lần đối mặt với hiểm nguy nhưng họ vẫn cứ đi, bất chấp những tai ương luôn rình rập và chờ chực trút lên đầu mình. Những ngư dân ấy cần được xem họ như những người lính đang làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. 

Trà Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.