Lãng phí cơ hội

02/12/2016 06:29 GMT+7

Với một nước có thế mạnh về xuất khẩu như VN, việc mở cửa thị trường ngày càng sâu rộng cũng đồng nghĩa mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng hóa thương hiệu Việt ra thế giới, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Thế nhưng có vẻ chúng ta vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội này.

Tính đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã hoàn thành đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có 9 FTA và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã được ký kết. Còn 2 hiệp định chưa được phê chuẩn là TPP và EVFTA. Ngay cả khi tuyên bố rút ra khỏi TPP của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump trở thành sự thật và TPP không thể thực hiện thì chúng ta cũng đã thiết lập quan hệ được với hầu hết các nền kinh tế lớn.
Có thể nhận thấy rất rõ rằng trước và sau khi ký kết các hiệp định, vấn đề chúng ta quan tâm nhất vẫn là đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng, các ngành hàng và... hầu như chỉ có thế. Điều này là hoàn toàn đúng đắn nhưng nó vẫn là chuyện lâu nay chúng ta đang làm. Giờ thuế giảm đi thì đẩy mạnh bán hàng càng nhiều càng tốt chứ chưa có một chiến lược đột phá nào về thâm nhập thị trường ngoại, xây dựng thương hiệu, đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng nước sở tại... Nhưng đối tác của chúng ta thì khác. Trước khi ký FTA với VN thì Nhật, Hàn, Thái, các nước EU liên tục tổ chức các hội chợ - triển lãm để “đo lường” sở thích, thói quen, nhu cầu, mức độ chịu chi... của người tiêu dùng Việt. “Đo” rồi, họ rầm rộ mang hàng qua, ngoài kênh hội chợ - triển lãm thì hàng hóa các nước sở tại theo chân các nhà bán lẻ “chảy” khắp các ngõ ngách trên đất Việt.
Không quá lời khi nói, chúng ta đã trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa cho nhiều nước. Giờ đây, các cô gái Việt phát cuồng vì một màu son đậm chất Hàn Quốc trong bộ phim xem đêm nay thì sáng mai có thể mua ngay lập tức tại VN. Các bà nội trợ cũng không phải nhờ người sang tận Thái Lan để mua những món đồ làm bếp tiện dụng, đặc trưng mà có thể ung dung chạy xe máy tới Index Living, siêu thị nội thất nổi tiếng của xứ sở chùa Vàng đã có mặt tại VN mà ngắm nghía, lựa chọn. Chưa bao giờ, trái cây ngoại tại nội địa nhiều như hiện nay. Trong siêu thị, ngoài chợ, tại các shop bán lẻ.., cam Mỹ, táo New Zealand, xoài Thái, nho Nhật... không thiếu thứ gì. Dù giá khá cao so với trái cây cùng chủng loại trong nước nhưng vẫn tiêu thụ rất tốt nhờ ưu thế về chất lượng và uy tín về an toàn vệ sinh. Trái cây ngoại đã và đang thay thế trái cây nội trong tủ lạnh của nhiều gia đình tại nội đô. Hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, trái cây rau củ... đều là những mặt hàng thế mạnh của ta nhưng đang bị lép vế trên nhiều phân khúc tại sân nhà.
Tất nhiên mở cửa thì cạnh tranh là tất yếu. Hơn nữa, sự có mặt của hàng hóa ngoại đã tạo ra cuộc cạnh tranh sống còn về chất lượng, giá cả giữa hàng ngoại với hàng nội và giữa hàng ngoại với nhau, đem lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng nội địa. Thế nhưng nhìn trên “toàn cục” rõ ràng chiến lược khác nhau nên kết quả cũng khác nhau. Trong khi ta khá chật vật, vẫn chỉ đẩy mạnh xuất khẩu (xuất thô) là chủ yếu thì thị trường nội địa đầy tiềm năng lại đang bị hàng ngoại tấn công mạnh mẽ.
Có lẽ cũng không cần phải nói gì nhiều, nếu các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp không thay đổi cách nhìn về thị trường nội địa, về chiến lược ra biển lớn thì chúng ta sẽ lãng phí rất nhiều cơ hội đằng sau các FTA mà Chính phủ đã nhọc công đàm phán, ký kết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.