Lo, nhưng mừng

30/03/2018 05:07 GMT+7

Với hơn 75% trong tổng số trái cây xuất khẩu của VN hiện nay sang thị trường Trung Quốc, việc phải truy xuất nguồn gốc là một thách thức lớn đối với cả doanh nghiệp xuất khẩu và người trồng.

Trung Quốc là nước đông dân với nhiều mức sống khác nhau nên hàng nhập khẩu cũng hết sức đa dạng, chất lượng cao cũng hút mà trung bình, thậm chí thấp cũng xong. Cũng bởi thế, nhiều năm nay, tâm lý chúng ta vẫn coi đây là thị trường "dễ tính". Do đó quy trình từ đầu vào đến đầu ra cho hàng xuất sang Trung Quốc cũng "dễ dãi". Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, gây thiệt hại đến túi tiền của doanh nghiệp, người dân, nhất là ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của trái cây nội. Nhưng có một sự thật không thể phủ nhận, sự dễ dãi đã trở thành thói quen. Rất nhiều người "thích" làm ăn với Trung Quốc cũng chỉ vì sự dễ tính của thị trường này. Đây cũng là lý do khiến trái cây VN được khen ngon, có hương vị riêng nhưng rất chật vật khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đùng một cái, thị trường dễ tính ấy "đòi" truy xuất nguồn gốc. Đòi phải thông tin tên sản phẩm hoa quả; nguồn gốc xuất xứ; tên hoặc mã số nhà xưởng đóng gói bằng tiếng Trung hoặc tiếng Anh; đồng thời có mã vạch, QR code hoặc tem chống hàng giả để có thể kiểm tra bất cứ lúc nào... chứ không còn cần 5, 10 tấn thì gom ở đâu cũng được rồi chở thẳng tới cửa khẩu bán như trước đây. Thế thì lo quá đi chứ. Truy xuất nguồn gốc nghĩa là nếu sản phẩm không đạt chất lượng thì người mua "túm" ngay được người bán, người trồng ra sản phẩm đó để bắt đền và cao nhất là cắt giao dịch nếu tái diễn nhiều lần.
Thế thì chỉ còn cách khẩn trương cải thiện, nâng cấp lại quy trình từ ruộng, vườn đến bàn ăn để đáp ứng yêu cầu của phía đối tác nếu không muốn hàng bị trả lại, bị phạt hợp đồng và cao nhất là mất bạn hàng. Trên thực tế, tâm lý ỷ y vào thị trường dễ tính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc làm nông nghiệp một cách hồn nhiên của nhiều doanh nghiệp, người dân. Dù đã được cảnh báo, đã phải chịu hậu quả nhưng tâm lý này vẫn không thay đổi. Vì thế, đòi hỏi từ chính đối tác nhập hàng chính là áp lực buộc chúng ta phải thay đổi. Mà đã thay đổi, đã cho ra được các sản phẩm chất lượng tốt, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì không chỉ đáp ứng được yêu cầu của thị trường Trung Quốc mà còn có thể bán trái cây VN đi nhiều nước khác.
Vấn đề là chúng ta phải coi đây là áp lực, là động lực để thay đổi chứ không phải để đối phó. Đó chính là điều đáng mừng và cũng là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp VN nếu muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu ra thế giới hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.