Loạn hàng nhái

24/06/2018 07:11 GMT+7

Chỉ cần “rành” một chút thì đều biết những chiếc đồng hồ mang thương hiệu hạng sang như Rolex, Longines… hay điện thoại di động “khủng” Vertu hàng mới nguyên chẳng thể có giá vài trăm ngàn đồng, bởi giá bán chính thức đều ở mức hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng.

Hay một chiếc áo thun “cá sấu” hàng hiệu Lacoste giá 89.000 đồng là “chuyện không tưởng”.
Chỉ có một cách lý giải duy nhất cho những món hàng có giá siêu rẻ đó là hàng nhái. Thế nhưng, thứ hàng nhái đó đang xuất hiện nhan nhản trên nhiều trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee... Không chỉ các trang thương mại điện tử, nhiều tài khoản mạng xã hội cũng công khai bán hàng nhái, thậm chí còn “tự hào” là mình bán: “hàng fake (hàng nhái) loại 1”, “hàng super-fake” (siêu nhái)... Cứ như thế, những “chợ” bán hàng nhái, hàng giả đang hoạt động tràn lan trên các trang điện tử, mạng xã hội tại VN.
Nếu tình trạng trên đã đáng lo thì còn một thực tế khác đáng lo không kém là có những người nghĩ rằng: trừ khi hàng thực phẩm giả ảnh hưởng sức khỏe, chứ hàng thời trang, thiết bị điện tử... thì chả sao, vì “người nhiều tiền xài hàng xịn, người ít tiền xài hàng nhái”.
Trong thực tế, chẳng hề đơn giản như vậy. Bất cứ loại hàng kém chất lượng nào cũng có thể gây thiệt hại cho người dùng, bởi hàng nhái thì làm sao có chứng từ minh bạch để đảm bảo chất lượng. Và khi không có chứng từ minh bạch thì số hàng này cũng khó bị tính thuế đúng và đủ, dẫn đến tình trạng ngân sách thất thu. Xa hơn, nhiều người tiêu dùng sẽ không còn tin vào hàng hóa lưu thông trên thị trường. Và thực tế là để đảm bảo “mua đúng hàng”, có những người Việt chuyển hướng mua từ nước ngoài. Họ chấp nhận mất thời gian chờ đợi, bỏ ra số tiền không nhỏ để đặt hàng từ các nước phát triển như Mỹ, Anh, Úc... rồi vận chuyển qua đường “xách tay” để đưa về VN. Những khoản chi tiêu này là không nhỏ nhưng không đóng góp cho nền kinh tế lẫn ngân sách VN, thậm chí còn góp phần cho nạn “chảy máu ngoại tệ”. Đó là chưa kể đến những hệ lụy khác mang tầm vĩ mô.
Thế nhưng, bất chấp việc dư luận nhiều lần lên tiếng, thực trạng hàng nhái vẫn tồn tại trên các sàn giao dịch, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội... Chịu trách nhiệm cho thực trạng này không đâu khác ngoài các cơ quan chức năng thuộc ngành công thương quản lý hàng hóa thương mại, ngành thông tin truyền thông quản lý không gian mạng. Nếu các cơ quan này tiếp tục để hàng giả hàng nhái tràn lan thì không khéo VN lại bị mang tiếng là “thiên đường hàng giả”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.