Loay hoay đến bao giờ?

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
22/12/2019 12:15 GMT+7

Đến lúc này có thể khẳng định, có một nơi cũng "vỡ trận" không kém gì thị trường thịt heo những ngày qua, đó chính là các cơ quan có thẩm quyền điều hành, quản lý thị trường này.

 Chỉ trong 2 ngày cuối tuần qua, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã liên tiếp ban hành 5 văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề nghị phối hợp bình ổn giá thịt heo. Sở dĩ bộ này “cuống quýt” như vậy là vì trước đó đã bị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ phê bình, yêu cầu kiểm điểm nghiêm túc và rút kinh nghiệm khi để xảy ra tình hình khan hiếm, thiếu dẫn đến giá thịt heo tăng không phanh.
Phê bình này là hoàn toàn chính xác, thịt heo tăng không chỉ ảnh hưởng đến bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình mà đã và sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến CPI. Còn nhớ tháng 11, thịt heo tăng giá quá cao đã khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,96%, cao nhất 9 năm qua. Tháng 12 chắc chắn sẽ còn cao hơn vì đây mới là tháng tăng điên khùng của thịt heo.
Trong cuộc hội nghị tuần trước, lãnh đạo Bộ NN-PTNT phân trần rằng, thịt heo nước nào cũng tăng, chẳng riêng gì Việt Nam. Điều đó là chính xác, không có gì bàn cãi. Dịch bệnh, heo chết vài triệu con, nguồn cung khan hiếm, cung ít cầu nhiều thì giá tăng. Bà con nuôi heo cũng trải qua nhiều đợt ế chuồng dội chợ, giá lao dốc, thua lỗ nợ nần. Giờ heo tăng giá, bán con heo lãi chỉ vàng cũng là chuyện bình thường của thị trường. Nhưng để tình trạng này kéo dài đến mất kiểm soát trong khi tất cả những vấn đề này chúng ta đều biết trước thì đó chính là “vỡ trận” về quản lý điều hành.
Nên nhớ, từ tháng 2 đầu năm nay, dịch bệnh trên heo xảy ra khắp cả nước, những tháng những quý trong năm, dịch bệnh lan rộng, số lượng heo chết phải tiêu hủy... đều được cập nhật đầy đủ.
Thế nhưng một kịch bản bù trống cho gần 6 triệu con heo bị tiêu hủy (tính đến hiện nay) thì hầu như không thấy. Trong khi ai cũng biết, heo là thực phẩm thiết yếu, đặc biệt là dịp tết, nhu cầu thịt heo rất cao.
Lẽ ra Bộ NN-PTNT cũng như các bộ, ngành có thẩm quyền phải chủ động tính toán, ước lượng số thịt heo bị hụt do dịch để lên phương án nhập khẩu bao nhiêu, thời điểm nào, có cần giảm thuế nhập khẩu thịt heo hay không, nhập từ thị trường nào... thì thị trường sẽ chẳng “điên” như những ngày vừa qua.
Dịch heo châu Phi khiến nhiều nước điêu đứng, chẳng riêng gì Việt Nam. Ngay cạnh chúng ta, Trung Quốc, nước tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng do thiếu hụt thịt heo, còn trầm trọng hơn ta.
Thế nhưng đến tháng 11 vừa rồi, họ đã cơ bản bình ổn được giá thịt heo trong nước do áp dụng nhiều giải pháp quan trọng, thiết thực trước đó. Từ việc dỡ bỏ hạn chế chăn nuôi heo ở nhiều khu vực, tăng cường các giải pháp hỗ trợ, nhất là bảo đảm về đất đai, nhà xưởng cho chăn nuôi, mở các "con đường chuyên biệt" cho vận chuyển thịt heo, hỗ trợ tối đa về tài chính, cho vay ưu đãi với hộ chăn nuôi cho đến đàm phán nhập hàng triệu tấn thịt heo từ Mỹ; mở kho thịt heo đông lạnh, nghiên cứu nuôi siêu heo...
Còn chúng ta đến lúc này vẫn đang loay hoay, vẫn còn chưa biết để nhập khẩu thịt heo thì thẩm quyền, trách nhiệm thuộc về bộ nào? Bao giờ nhập? Doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập? Nhập bao nhiêu, thuế bao nhiêu là phù hợp?... Chỉ khổ các bà nội trợ, đến lúc này vẫn lo không biết có đủ thịt heo cho nồi bánh chưng và mâm cỗ tết hay không?
Nên mới nói, chẳng riêng gì giá thịt heo “vỡ trận”...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.