Luật sư hành nghề hợp pháp

06/11/2015 06:08 GMT+7

Việc bạo hành hai luật sư trong vụ Đỗ Đăng Dư vào ngày 3.11 ở Hà Nội đã dấy lên những phản ứng rộng khắp, nhất là khi mà Quốc hội khóa 13 đang nhóm họp, chuẩn bị bấm nút thông qua 3 đạo luật quan trọng là bộ luật Tố tụng hình sự, luật Các cơ quan điều tra hình sự và luật Tạm giam tạm giữ.

Việc bạo hành hai luật sư trong vụ Đỗ Đăng Dư vào ngày 3.11 ở Hà Nội đã dấy lên những phản ứng rộng khắp, nhất là khi mà Quốc hội khóa 13 đang nhóm họp, chuẩn bị bấm nút thông qua 3 đạo luật quan trọng là bộ luật Tố tụng hình sự, luật Các cơ quan điều tra hình sự và luật Tạm giam tạm giữ.

Ba đạo luật này dựa trên những quyền và nguyên tắc tối quan trọng của Hiến pháp, như: quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình; quyền bào chữa; nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc tranh tụng.
Ba đạo luật này liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ và thân phận của những người bị tạm giam để điều tra như Đỗ Đăng Dư, và những người đang bào chữa cho họ như các luật sư Trần Thu Nam và Lê Luân. Điều 3 của luật Luật sư quy định các luật sư có chức năng xã hội là “góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức…”.
Pháp luật hiện hành đã có những quy định xác đáng về vai trò vị trí của luật sư nhưng trên thực tế luật sư bị gây khó dễ, bị hành hung đang có xu hướng tăng lên mà vụ việc ở Hà Nội không phải là cá biệt, đã có những luật sư bị tấn công ngay sau khi vừa rời phiên tòa, thậm chí bị tạt a xít…
Điều đáng chú ý là mỗi khi có vụ việc xảy ra, phản ứng của các cơ quan chức năng thường chậm chạp, như trong trường hợp luật sư Hồng Lĩnh ở Hải Phòng bị tạt a xít là rất nặng nhưng 3 năm chưa tìm ra hung thủ. Đây là điều báo động về tình trạng luật pháp một đằng thực thi một nẻo. Cũng lưu ý rằng, những trường hợp luật sư bị bạo hành đều được Liên đoàn Luật sư VN ghi nhận, tổng hợp vào gửi tới Bộ Công an nhưng tới nay tình hình chưa có nhiều cải thiện.
Hành hung các luật sư đang hành nghề hợp pháp là cùng lúc vi phạm hai loại pháp luật: pháp luật bảo vệ con người và pháp luật bảo vệ quyền hành nghề luật sư, những người đang cùng với điều tra viên, công tố viên, thẩm phán “góp phần bảo vệ công lý”, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Trong sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, luật sư là những người đồng chí của các cơ quan tiến hành tố tụng, mục đích giống nhau dù chức năng và nhiệm vụ khác nhau. Vì vậy, việc hành hung các luật sư, dù bởi bất cứ lý do nào, phải được điều tra, kết luận và xử lý nghiêm túc trong thời gian sớm nhất. Bởi vì các cơ quan tiến hành tố tụng, cùng với luật sư, đều có trách nhiệm giống nhau là hành động để chứng minh rằng: ở nước VN ngày nay, dân chủ, pháp quyền và công lý không chỉ tồn tại trong Hiến pháp và các đạo luật mà cả trong thực tế hằng ngày.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.