Mấu chốt là giám sát

04/03/2021 04:38 GMT+7

Các quy chuẩn về xây dựng như độ cao ban công, lối thoát hiểm, phòng cháy chữa cháy... đều không thiếu.

Trước khi đi vào vận hành, các cao ốc, chung cư, tòa nhà... đều phải trải qua khâu “khám sức khỏe” tổng quát của các cơ quan có thẩm quyền liên quan. Thế nhưng, ở nhiều nơi, những lỗi cơ bản vẫn bị bỏ “lọt”.
Lý do? Câu trả lời chỉ là khâu giám sát kiểm tra không được thực hiện nghiêm túc hoặc có tình trạng bắt tay giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý để “phớt lờ” các lỗi này.
Lại có nhiều nơi, khi mới đưa vào hoạt động thì đầy đủ nhưng sau đó thì “buông”, không tu bổ, sửa sang. Đơn cử như các phương tiện phòng cháy chữa cháy, rất nhiều chung cư để lưu cữu năm này qua năm kia, hoen gỉ mốc meo. Nếu chẳng may có hỏa hoạn, bình xịt có lẽ chỉ tổ vướng lối thoát thân. Không ít cao ốc “lùa” cư dân vào ở khi hệ thống PCCC chưa nghiệm thu, thậm chí chưa có. Còn ban công, kích thước cầu thang thoát hiểm... dưới chuẩn, rất nhiều.

Trẻ rơi từ chung cư cao tầng: Phụ huynh vô tình “bắc thang” cho trẻ!

Nhưng chủ đầu tư vẫn bán, người dân vẫn ở, cơ quan quản lý vẫn duyệt. Chỉ đến khi có chuyện xảy ra, chúng ta lại mới phân tích, đánh giá, tìm nguyên nhân do bên này, phía kia. Nhưng lúc này thì phỏng có ích gì? Thiệt hại thì cũng thiệt hại rồi, mất mát thì cũng mất mát rồi. Để rút kinh nghiệm ư? Xin thưa là hầu hết các vụ việc, cứ bức xúc, ồn ào vài ngày lại quên. Một thời gian sau lại có một vụ tương tự xảy ra. Rồi lại bức xúc, rồi lại chìm.
Thế nên, thay vì chỉ nhắm đến chủ đầu tư, hãy chế tài thật nặng cơ quan quản lý có thẩm quyền, nhưng “bỏ lọt” cho các cao ốc không đáp ứng các quy định về xây dựng đi vào hoạt động. Chúng ta thường đổ lỗi cho thiếu quy định này, quy định kia nhưng rõ ràng trong lĩnh vực xây dựng, các quy chuẩn là khá đầy đủ. Vấn đề là có thực hiện không, thực hiện như thế nào mà thôi.
Tất nhiên nhiều vụ, lỗi một phần không nhỏ ở ý thức người sử dụng. Chuyện lấn chiếm cầu thang thoát hiểm làm nhà kho; ban công kê ghế thấp ghế cao để ngắm cảnh khi trong nhà có trẻ nhỏ; cơi nới không gian hành lang, ban công làm chỗ ở... diễn ra công khai khắp nơi. Nhưng cũng phải nói thẳng, nếu được giám sát chặt chẽ, chắc chắn người dân không thể thực hiện được. Tại sao nhà “tổ chim” vẫn thách thức ở nhiều chung cư giữa lòng các thành phố lớn nếu không phải từ sự buông lỏng quản lý? Rất nhiều người vẫn nghĩ chuyện tai nạn là hy hữu; là chuyện đọc trên báo, xem trên ti vi... chuyện của thiên hạ chứ không thể xảy ra với mình.
Nhưng chẳng ai nói trước được điều gì. Mình có thể không phải nạn nhân nhưng có thể trở thành thủ phạm nếu chẳng may bếp than tổ ong ở ban công nhà mình rớt xuống đầu người khác. Những chủ đầu tư cố tình phớt lờ các quy chuẩn xây dựng sẽ phải trả giá bằng uy tín - yếu tố sống còn để một doanh nghiệp tồn tại. Những cán bộ quản lý làm ngơ cho vi phạm, cũng sẽ có ngày bị truy cứu trách nhiệm.
Nên đừng mất bò mới lo làm chuồng. Không “chặt” từ đầu vào thì khó mà bảo đảm đầu ra. Đó không chỉ là an toàn tính mạng người ở mà còn bảo hành cho sự phát triển lâu dài của bất cứ doanh nghiệp nào.

Báo chí quốc tế gọi anh Nguyễn Ngọc Mạnh là "siêu anh hùng" cứu bé gái rơi chung cư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.