Minh bạch trách nhiệm

23/10/2017 06:15 GMT+7

Từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 đến các kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa 14, các ủy ban của Quốc hội đã tiến hành nhiều phiên giải trình (mà ở nghị viện các nước gọi là điều trần), yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương đến trả lời, giải trình về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các cơ quan đó.
Chẳng hạn như giải trình về giá thuốc, về chính sách xóa đói giảm nghèo, về đổi mới chương trình giáo dục, về chính sách đầu tư công…
Nhưng tại sao ở ta chỉ khiêm tốn dừng lại ở “giải trình” mà không phải là “điều trần”, có lẽ bởi vì ở đây vẫn là công việc nội bộ của Quốc hội, cụ thể là các ủy ban với cơ quan chức năng mà thiếu sự tham gia thật sự của các chuyên gia, những người am hiểu sâu về vấn đề nào đó, và người dân - những người thụ hưởng chính sách, trực tiếp đối mặt với những tồn tại (nếu có).
Các phiên họp, dù nội dung đã đụng đến những vấn đề rất nóng hổi, bức xúc của xã hội, nhưng vẫn chỉ là chuyện đọc báo cáo và các phát biểu “tình thương mến thương” mà thiếu vắng những câu hỏi - đáp nảy lửa như vốn có của một phiên điều trần.
Từ những bước đi đầu tiên đó, cử tri đặt hàng các ủy ban của Quốc hội cần tiến hành các phiên “điều trần” sâu hơn, Quốc hội cần các phiên chất vấn rõ hơn trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành về những vấn đề thuộc trách nhiệm của họ. Kết quả của những phiên điều trần hoặc chất vấn phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đừng để mọi việc trôi đi như chưa từng có; Giải trình xong mà chẳng thấy cái sai thuộc về ai.
Chẳng hạn, câu chuyện chất lượng cán bộ, công chức, sự lạm phát bộ máy đang nóng, sau Hội nghị T.Ư Đảng thì Quốc hội chọn đó làm vấn đề giám sát, điều đó đúng. Nhưng tại sao lại xảy ra tình trạng ấy? Cơ quan nào phải chịu trách nhiệm về bộ máy càng cải cách càng phình to; quy định một đằng, làm một nẻo? Quốc hội cần các phiên đối chứng, đối chất với các cơ quan liên quan để buộc họ giải trình về mọi vấn đề thuộc trách nhiệm của họ trước bàn dân thiên hạ.
Hơn cả công khai, đó là sự sòng phẳng và minh bạch.
Đằng sau các con số biết nói về số lượng cán bộ/công chức, là chất lượng và hiệu quả bộ máy kém. Lỗi của ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm?
Nếu không làm rõ được trách nhiệm chính trị của những người đứng đầu do Quốc hội bầu và phê chuẩn về những vấn đề họ được giao quản lý, thì dù có giải trình, điều trần hay chất vấn cũng không làm cho thực tế thay đổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.