Nhiệm vụ cuối năm

08/11/2016 06:36 GMT+7

Tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước bảo đảm tỷ giá và thanh khoản ngân hàng.

Cụ thể, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận tín dụng với lãi suất hợp lý.
Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; theo dõi sát diễn biến nợ xấu, có giải pháp kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là dịp cuối năm...
Nhìn lại 10 tháng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiệm vụ cuối năm không phải quá khó khăn. Bởi thực tế từ đầu năm, vấn đề giữ ổn định lãi suất được nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá là hết sức khó khăn trong bối cảnh lạm phát tăng cao so với năm trước; nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ lớn và kế hoạch tăng trưởng tín dụng đề ra. Các yếu tố này khiến lãi suất luôn chịu sức ép tăng rất lớn.
Còn nhớ cuối tháng 4 trong cuộc họp Thủ tướng gặp DN tại TP.HCM, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã cam kết sẽ giảm lãi suất khoảng 1% trong năm nay. Rất nhiều phân tích cho thấy cam kết này đối mặt với không ít thách thức. Tuy nhiên, ngay sau đó NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp để giữ thế ổn định cho lãi suất trong các tháng đầu năm. Thậm chí đến cuối tháng 9 vừa rồi, một số tổ chức tín dụng lớn đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động khoảng 0,3 - 0,5%/năm. Trên cơ sở đó, lãi vay được kéo xuống từ 0,5 - 1%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh. Tính đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến
6 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn; đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4 - 5%/năm. Như vậy, dù còn 2 tháng nữa mới chốt năm 2016 nhưng về cơ bản, Thống đốc NHNN đã thực hiện được cam kết của mình và cộng đồng DN cũng được nhờ khi vay vốn ngân hàng với giá rẻ hơn.
Tương tự với tỷ giá, trong báo cáo tình hình kinh tế từ tháng 1 - 10 do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố dự báo hết sức lạc quan, ngoại hối không có áp lực trong các tháng cuối năm. Có thể thấy, với việc điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, thị trường ngoại tệ diễn biến tích cực. Tỷ giá USD/VND giao dịch trên thị trường liên ngân hàng giảm và tương đối ổn định trên mặt bằng mới quanh tỷ giá mua ngoại tệ của NHNN (22.300 VND/USD) và thấp khá xa so với tỷ giá trần. Thanh khoản thị trường tốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của khách hàng được đáp ứng đầy đủ, tâm lý găm giữ ngoại tệ giảm. Tỷ giá ổn định đã giúp NHNN mua vào 10,7 tỉ USD tính đến hết tháng 9, đưa dự trữ ngoại hối tăng lên mức cao kỷ lục, trên 40 tỉ USD. Nguồn dự trữ này sẽ giúp NHNN có cơ sở điều tiết thị trường và đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế ngay cả thời điểm cung cầu ngoại tệ căng thẳng trong những tháng cuối năm.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải giải quyết như giải quyết nợ xấu, tái cơ cấu ngân hàng, đặc biệt là cho một số ngân hàng yếu kém phá sản theo chủ trương của Chính phủ. Nhưng có thể nói, chính sách tiền tệ là đã góp phần rất lớn vào ổn định vĩ mô trong năm nay. Trên cơ sở đó, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ không phải quá khó khăn nếu NHNN vẫn giữ tiếp tục chủ động điều hành chính sách tiền lệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô song song với thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.