Nhiễu loạn thông tin

Hiện tại, mật độ dày đặc hơn nhưng thực ra, nhiều trang web, blog, Facebook… (gọi chung là trang mạng) bàn về chính trị, nhân sự đã tồn tại từ khá lâu.

Điều đáng ngạc nhiên là, có trang bị chặn rồi mở, mở rồi chặn nhưng nhiều trang vẫn “thông”, click vào rất nhanh.
Gần đây, có thêm nhiều trang mới “gia nhập” vào “đội ngũ” này. Có thể thấy, các trang mạng đó không chỉ có một hai người thực hiện mà có cả một đội ngũ để thu thập thông tin, viết bài, tạo Facebook để dẫn đường link và tag vào tường của nhiều người với một chiến dịch có bài bản, có chủ định. Vì thế, mật độ lan tỏa của nó rất cao.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cũng nhìn nhận: “Đã thành thông lệ, cứ vào dịp trước, trong và sau khi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc, như Đại hội Đảng, các đối tượng chống phá lại tung ra đủ loại thông tin xuyên tạc, sai sự thật, thông tin bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhằm gây rối, làm nhiễu loạn thông tin trước Đại hội Đảng…”. Không chỉ “bôi bẩn” nhân thân của một người, nhiều trang mạng còn gây nhiễu loạn bằng thông tin nước ngoài can thiệp vào nhân sự Đại hội Đảng.
Trừ một số người đọc có thông tin và trình độ hiểu biết, còn trên bình diện văn hóa đại chúng, rất nhiều người khó có thể nhận ra sự ngụy tạo, lấy tí khói nói biển lửa, chuyện nọ xọ chuyện kia… vì thế không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả… Bằng chứng là đã có rất nhiều người bình luận theo, bấm like; người bình luận nghiêm túc cũng có nhưng rất ít, có thể họ đã quá ngán nên không muốn nói lại.
Điều nguy hiểm là, những người không tin nhưng khi đọc lại có những suy đoán, nhận định riêng, cho rằng, đã có sự mất đoàn kết giữa người này, người nọ. Kiểu gì cũng đều dẫn đến nhận thức không hay. Sử dụng mạng xã hội là chấp nhận thành quả của loài người, đó là điều tất yếu. Chúng ta không thể dùng biện pháp cấm hoặc chặn kiểu “ngăn sông cấm chợ”, nhưng rõ ràng, dù đã tiên lượng nhưng phản ứng về vấn đề này khá chậm và có phần lúng túng.
Trả lời phỏng vấn báo chí mới đây của Thứ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn cho thấy điều đó: “Bộ TT-TT đã và đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý như luật An toàn thông tin mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành; các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Nhưng đây là lĩnh vực mới, để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống thì cần có thời gian”.
Từ những vấn đề trên, thiển nghĩ, các cơ quan định hướng tư tưởng, các cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và các cơ quan liên quan như thanh tra, kiểm tra, bảo vệ nội bộ…cần phối hợp để có những động thái kịp thời và cụ thể hơn nữa. Đó có thể là thông tin chính thức cho báo chí những vấn đề nổi cộm mà mạng xã hội nêu ra. Tận dụng các phương tiện sẵn có để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, bôi bẩn nhân thân, làm nhiễu loạn thông tin (mới rồi một số tờ báo đã lên tiếng về việc một số trang mạng phát tán đơn thư tố cáo giả mạo cán bộ Văn phòng Chính phủ theo phát ngôn của Văn phòng Chính phủ là việc làm rất kịp thời, nhạy bén. Tuy vậy cần có thêm những thông tin mà người mạo danh đó sai sự thực đến đâu, sẽ có sức thuyết phục hơn).
Về phía bạn đọc, hiện nay hầu như ai cũng đọc mạng hằng ngày, vì thế điều cần kíp nhất là kêu gọi mọi người trong cộng đồng cần có cái nhìn khách quan, tỉnh táo, tẩy chay những loại thông tin mang tính chia rẽ, mất ổn định, mất đoàn kết...
Theo “Luật hấp dẫn” của Michael Losier, nếu con người nghĩ nhiều đến điều gì thì sẽ đón nhận điều đó. “Phản hồi tích cực” hay nghĩ về điều tốt thì sẽ nhận được điều tốt đẹp và ngược lại. Con người phải hướng đến sự tốt đẹp, tính nhân văn thì xã hội mới văn minh và phát triển bền vững được.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.