Những quy định bao đồng

04/08/2019 06:00 GMT+7

Kể ra cho hết, thì quy định gây tranh cãi kiểu như xử phạt “ thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục VN” không phải là trường hợp cá biệt.

Năm 2016 từng có đề xuất “in toàn tiền 20.000 đồng để chống tham nhũng”. Năm 2017, Nghị định 49/2017 quy định nhà mạng phải “chụp ảnh chủ thuê bao di động”.
Cũng năm 2017 người dân từng nghe đến đề xuất “mỗi công dân chỉ được sở hữu một xe ô tô và một biển số”. Năm 2018, Bộ GD-ĐT đưa dự thảo quy định buộc thôi học SV ngành sư phạm nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ 4. Tháng 4.2019, Bộ Nội vụ dự định đề xuất luật hóa quy định “không nịnh bợ cấp trên”. Tháng 5.2019, Nghị định 46/2019 đưa quy định “xử phạt thể thao khiêu dâm, trái thuần phong mỹ tục”. Tháng 7.2019, một đại biểu HĐND TP.HCM đề xuất “trục xuất người nhập cư khỏi TP.HCM nếu không tuân thủ các quy định của thành phố”…
Theo dõi những nội dung tranh cãi trong cộng đồng xã hội, với sự tham gia của cả giới chuyên gia và người dân, không khó để nhận ra những câu hỏi lớn đặt ra về chất lượng tư duy lập pháp của chính những người đang tham gia vào công việc lập pháp.
Là câu hỏi về sự mơ hồ, kiểu như làm sao xác định được hành vi nịnh bợ cấp trên, đâu là biểu hiện tôn trọng cấp trên.
Là câu hỏi về tính khả thi nếu áp dụng, bao đồng những chuyện không đâu vào đâu, kiểu như làm sao xác định được một động tác thể thao nào đó là khiêu dâm hay không, kiểu như in toàn tiền mệnh giá 20.000 đồng để chống tham nhũng.
Là câu hỏi về sự phi lý, kiểu như hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học, còn 3 lần trước thì không. Hay như quy định chụp ảnh chủ thuê bao di động cũng vậy.
Thậm chí, là câu hỏi về khả năng vi hiến, kiểu như đề nghị trục xuất người nhập cư khỏi thành phố, mỗi công dân chỉ được sở hữu 1 xe ô tô, mà ngày trước còn có cả đề xuất quy định người ngực lép có thể bị cấm lái xe.
Nếu đối chiếu những câu hỏi ấy với câu hỏi về những chuyện rõ sờ sờ trước mắt mà luật pháp lại rất bất cập trong quy định điều chỉnh, thì mới thấy người dân phản ứng gay gắt, chỉ trích quyết liệt cũng là lẽ đương nhiên. Chẳng hạn như chuyện cưỡng hôn trong thang máy mà quy định xử phạt chỉ 200.000 đồng. Chuyện vô lý thế mà chẳng lo bổ sung, điều chỉnh gấp quy định cho phù hợp, lại loay hoay lo chuyện xử phạt thể thao khiêu dâm với những thuật ngữ pháp lý mơ hồ.
Những đề xuất hoặc quy định gây tranh cãi không hẳn là điều gì bất thường trong bối cảnh chất lượng phản biện xã hội đã được nâng cao như hiện nay. Đôi khi có sự tranh cãi hay tranh luận lại là điều tốt cho một đề xuất hoặc quy định vì nó thật sự có tác động đến số đông, được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau và phân tích đầy đủ các mặt tác động. Nhưng nếu phải tranh cãi vì những câu hỏi của sự phi lý, mơ hồ và ngớ ngẩn của các quy định, đề xuất luật yếu kém và bao đồng như thế thì uổng phí công sức của xã hội quá! Và uổng niềm tin của người dân quá!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.