Những thách thức của Luật Cạnh tranh

01/07/2005 00:21 GMT+7

Ngày 1/7, Luật Cạnh tranh chính thức có hiệu lực. Sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ chỗ không công nhận vai trò của cạnh tranh trong nền kinh tế, đến nay chúng ta đã tạo hẳn ra một công cụ có địa vị pháp lý cao nhất để điều tiết cạnh tranh, coi nó như là một thuộc tính cố hữu của mọi nền kinh tế thị trường; hơn nữa còn khẳng định cạnh tranh là động lực thúc đẩy quá trình sáng tạo, sản xuất và phân phối của cải vật chất.

Luật Cạnh tranh trước hết được chờ đợi bởi tính thực tiễn của nó. Trước khi có luật này, người ta không biết phải bấu víu vào đâu khi phán xử những vấn đề rất mới mẻ đang đặt ra trong quá trình chuyển đổi sang cơ chế thị trường. Trên thực tế, những hành vi xâm hại quyền tự do cạnh tranh lâu nay vẫn diễn ra như việc bán hàng đa cấp tuyên truyền sai sự thật hay lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để chèn ép doanh nghiệp mới. Cho đến nay, khi những sự việc này xảy ra, thay vì tìm tới một cơ quan điều tra và phân xử chính thức những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, những người bị hại chạy lung tung để thưa kiện. Đây chính là lý do tại sao ông Lê Danh Vĩnh, Thứ trưởng Bộ Thương mại nói rằng thách thức đầu tiên của Luật Cạnh tranh là nhận thức của các doanh nghiệp về vấn đề này chứ không phải vấn đề phán xử những vụ việc cụ thể.

Tuy nhiên, về lâu dài, không thể không đặt ra câu hỏi về cơ chế thực thi Luật Cạnh tranh. Hiện nay, cơ quan quản lý cạnh tranh chỉ là một đơn vị trực thuộc Bộ Thương mại. Rất nhiều đại biểu Quốc hội cũng như chuyên gia luật pháp hiện vẫn băn khoăn không biết làm thế nào một cơ quan cấp Cục như vậy có đủ quyền lực thực tế để đưa ra những phán quyết khách quan trong trường hợp phải đi ngược lại lợi ích của những doanh nghiệp độc quyền siêu hạng như Tổng công ty Bưu chính-Viễn thông, hay Tổng công ty Điện lực... để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ những doanh nghiệp cạnh tranh khác nhỏ hơn ? Góp ý về mô hình cơ quan quản lý cạnh tranh, có nhà nghiên cứu đã đề nghị lập một Hội đồng cạnh tranh có chức năng tài phán, gồm các thành viên do Thủ tướng bổ nhiệm, đứng bên trên Cục Quản lý cạnh tranh chỉ làm nhiệm vụ điều tra, lập hồ sơ vụ việc. Nhưng dù cơ cấu nào được chọn, thì sự vô tư, công bằng của những người vận hành nó sẽ được xã hội và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hơn cả. Và đó chính là thử thách lớn nhất của Luật Cạnh tranh khi đi vào cuộc sống.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.