Những thiên thể chiếu sáng trong tôi

12/02/2007 16:53 GMT+7

Trong ký ức tuổi thơ của tôi, luôn hiện bóng một thằng bé ba tuổi - chính là tôi - ngồi im nghe, và một bà cụ già là bà tôi, nhân vật chuyên kể những mẩu chuyện huyền thoại mà hồi đó, trí tưởng tượng còn thơ dại của tôi vẫn cho rằng đúng là sự thực.

Tôi không biết bà tôi đã học ở đâu ra một khối lượng huyền thoại như vậy; không bao giờ cạn vốn, không bao giờ chán; như bà đã từng đi dự đám rước của những ý tưởng ở thượng giới; và đã từng thấy những nhân vật mang theo những thế giới hoàn hảo mà bây giờ bà kể cho một fan của bà nghe. Thời gian qua đi, người ta lớn lên và bỏ lại đằng sau những mảnh tan vỡ của một thế giới tinh khôi mà ta đã biết từ thuở bé.

Cũng có một nguồn suối khác của những câu chuyện huyền thoại trong tôi được truyền lại bởi mẹ tôi. Những đêm mùa hè, tôi thường nằm thu gọn trong lòng mẹ cho đỡ "sợ ma", vừa ngửa mặt lên trên cao nhìn theo những chấm sáng bay vụt qua (thực ra đó là những tinh thạch vỡ) mà mẹ tôi thường gọi là "sao băng". Mẹ dặn rằng, mỗi khi thấy sao băng hãy mở cúc áo ở cổ và cầu nguyện cho một linh hồn tốt nào đấy được về nơi cực lạc.

Tổng kết, cả mẹ tôi và bà, trong trí nhớ của tôi còn lại ba mẩu chuyện huyền thoại mà tôi dùng làm mẫu mực để so sánh mỗi lần gặp chuyện bất toàn ở đời. Đó là các chuyện Tấm Cám, Thạch Sanh, và Lục Vân Tiên. Tôi mừng hú lên khi nghe cô Tấm được thoát nạn, và hả lòng hả dạ khi nghe con Cám bị dội nước sôi chết trong ghè. Rõ ràng là ngay từ bấy giờ tâm hồn tôi đã được lôi cuốn theo phe của cái thiện chống lại cái ác. Đó quả là một bài học đạo đức mà tôi ghi nhớ suốt đời.

Tôi còn nhớ một đêm xuân sau Hiệp định Paris, một đoàn văn công đến diễn những vở huyền thoại giữa thung lũng A Lưới. Họ diễn vở Tấm Cám, và có đoạn cô Tấm từ trong quả thị bước ra giữa sân cỏ thì đồng bào dân tộc Kơ Tu vỗ tay và la hét ầm ĩ. Trong thung lũng chỉ toàn là bộ đội và người Kơ Tu. Phải biết rằng trong chiến tranh, thung lũng A Lưới được không quân Mỹ xem là cái "túi bom", hễ đi đánh bom ở đâu đó, nhất là ở đường mòn Hồ Chí Minh, các tay phi công Mỹ đều chọn A Lưới làm mảnh đất để trút hết số bom còn lại trước khi bay về căn cứ. Nghĩ như vậy để thấy bấy giờ có một người đẹp từ một trái thị màu vàng bước ra trên mặt đất để mang theo muôn vàn việc tốt đẹp thì bảo sao những khán giả người Kơ Tu ấy không reo hò? Quả nhiên đối với họ, cô Tấm là một hình ảnh của hạnh phúc, hạnh phúc được sống trong hòa bình mà đối với họ xưa nay chỉ là chuyện tưởng tượng. Riêng đối với tôi hình ảnh cô Tấm mãi mãi thuộc về thần thoại, vì mấy ai dám nghĩ về đời mình coi như một hạnh phúc?

Truyện huyền thoại thứ nhì của tôi chính là truyện Thạch Sanh. Cũng cùng một mô-típ của trí tưởng tượng như vậy, một nàng công chúa (cô Tấm) sống trong hang đá, giữa những cái ác là Chằn Tinh hoặc Đại Bàng. Chỉ có con người (Thạch Sanh) bảo vệ nàng và đưa nàng lên khỏi hang đá để trở lại chốn hoàng cung. Thạch Sanh là hình tượng của chủ nghĩa nhân bản vì chàng chống lại cái ác, không phải bằng bom đạn mà bằng một cây đàn êm đềm; chàng là một gương mặt tiêu biểu của "âm nhạc vì hòa bình":

Đàn kêu tích tịch tình tang
Ai đem công chúa lên hang mà về.

Đó là huyền thoại. Nó càng làm cho tôi thích nghe vì nó có hai tuyến nhân vật chia thành hai phe Thiện và Ác đánh nhau kịch liệt để cuối cùng con người Thạch Sanh giành phần chiến thắng. Mà lại chiến thắng bằng cây đàn; đó là "m nhạc cứu rỗi nhân loại".

Bà tôi thỉnh thoảng kể thêm những chuyện khác (nhằm chiều theo lời yêu cầu bức xúc của tôi). Cũng có một chuyện tạm gọi là huyền thoại mà tôi hâm mộ, là truyện Lục Vân Tiên. Tôi thích nhất là hình tượng con gà biết nói. Khi thuyền ông trạng Lục Vân Tiên đi ngang qua vườn Bùi Kiệm, con gà gáy hối hả: "Cô... cồ... phải thuyền ông trạng cứu cô tôi cùng", nhờ thế mà Lục Vân Tiên hội ngộ với Nguyệt Nga. Trong những chuyện huyền thoại dân gian mà bà tôi kể thường có hình ảnh những "nàng tiên": Những nàng tiên là hình ảnh của cái đẹp vĩnh hằng, hoàn hảo giữa cuộc đời đầy những ô nhiễm này. Tuy nhiên cho đến bây giờ, tôi vẫn tin rằng những nàng tiên có thật, đến độ tôi nghĩ rằng đi thuyền dọc theo sông Hương, từ lăng Gia Long đến thượng nguồn, nơi đó có những hoa dẻ mà nhị hoa trở thành từng chùm, và nhả ra một mùi hương ngan ngát lan tỏa khắp núi rừng, đó chính là giang sơn của những nàng tiên (như trong bài hát Thiên Thai mà anh Văn Cao có lần kể lại cho tôi nghe dựa theo một huyền thoại dân gian mà anh đã nghe lần về thăm Huế). Tôi là một đứa bé lớn lên từ những huyền thoại như thế, nên đầu óc tôi luôn luôn nửa tỉnh nửa mơ như một người lạc loài, "sinh nhầm thời đại". Tôi biết thế nhưng thà chết còn hơn đánh vỡ những cái đẹp trong những huyền thoại mà tôi cho rằng "quý hơn ngọc". Ngoài ba câu chuyện huyền thoại mà trí óc tôi cho vào kho báu của đời người, còn lại hai kỷ vật khác cũng được tôi xếp vào phạm trù huyền thoại: Đó là tên của một loài hoa và hình ảnh một người con gái.

Trong một bài bút ký trước đây nói về những loài hoa mà tôi nhớ mãi, có một loài hoa dại nở trong thung lũng ở trên núi đủ các màu xanh, vàng, đỏ, trắng mà Len và tôi thường ngồi ngắm trong chiến tranh, nhiều khi ngắm sa đà quên cả làm rẫy. Loài hoa ấy chỉ cao chừng gang tấc, tự nở tự tàn trong những chiều xuân yên tĩnh, khiến cho rừng núi tươi vui hẳn lên và lòng tôi rạo rực khi ngồi bên Len, một cô bé người Kơ Tu của thung lũng A Dài. Len thường hỏi tôi cho kỳ được tên của loài hoa ấy; nhưng tôi bảo tôi không biết. Có lẽ nó cũng không có tên, chỉ là một loài hoa núi. Nhưng Len không chịu, cho rằng tôi muốn giấu nàng tên thực của loài hoa. Bí quá, tôi đành nói đại ra là hoa Forget-me-not (Đừng-quên-em). Nàng tưởng thực, nói theo và bằng một thứ tiếng Anh rất thông thạo. Từ đó nàng gọi hoa forget-me-not một cách tỉnh bơ, giống như nàng đã biết tiếng Anh từ bao giờ. Sau này có một đêm ở Liên Xô, đêm cuối cùng trước khi chia tay, Irina rủ tôi cùng đi dạo thành phố Moscow một vòng, để nhìn lại thành phố cho nhớ. Tôi hỏi nàng ở quanh đây có một quán sách nào có bán tấm cạc in hình hoa Forget-me-not không.

- Có. Ở đằng này em vẫn mua nhiều hình hoa Forgef-me-not. Nhiều kiểu khác nhau, anh muốn mua bao nhiêu cứ lấy. Em có đủ "tài chính" đây.

Cuối cùng, tôi đã có một xấp những hoa Forget-me-not thật, nhưng không phải thứ hoa mà tôi nói với Len: nó đã là một thứ hoa huyền thoại.

Còn yếu tố huyền thoại cuối cùng trong đời tôi, chính là Diễm (tên do tôi đặt ra còn nàng thì muốn giấu kỹ). Tôi yêu quý Diễm từ khi tôi dạy học lớp nàng ở Trường Đồng Khánh. Dĩ nhiên đó là một tình yêu giữa thầy và trò. Nhưng hình như nàng cũng biết vẫn có một ánh mắt ngưỡng mộ dõi theo bước nàng đi. Ít năm sau tôi nghe nói nàng đã bỏ qua Pháp học và tôi thì lênh đênh nơi rừng núi. Cách đây ít lâu tôi có qua Pháp chơi và Diễm đón tôi ở Paris. Diễm vẫn sống một mình bằng một niềm cô đơn kiêu hãnh. Diễm săn sóc tôi một cách chi li như thể là có một nghĩa vụ tiền kiếp đối với tôi. Thường nàng đi Paris về nhà nàng bằng một chuyến xe buýt khoảng 15 phút. Tôi vẫn ngồi chờ nàng trước chỗ làm của Diễm để cùng đi ăn cơm trưa ở khu Đại học xá Pháp. Nàng kể cho tôi nghe khi được tin tôi ốm nặng, nàng tưởng là không còn gặp tôi nữa, đã khóc vang như một đứa bé; và khi nàng đốt hương ngồi một mình, nàng thấy hình ảnh một cây hương nhảy lung tung trước mặt thì nàng nghĩ rằng tôi đã chết thực. Ngày cuối cùng trước khi tôi về nước, nàng cùng tôi ngồi trên một chuyến bâteau mouche chạy dọc sông Seine, qua những chiếc cầu bằng đá đồ sộ tỏa cái bóng mát rượi của chúng trên đầu chúng tôi. Ngồi cạnh tôi, nàng nói về những dự định về tương lai và cho tôi hay rằng dọc bờ sông Seine này luôn luôn có những tiệm sách cũ về đêm, nơi này xưa André Malrau thuở hàn vi thường xuyên lui tới cho đến tận lúc trở thành nhà văn. Năm ngoái Diễm có về Huế sau một đời xa cách. Nàng có đến thăm nhà tôi khi vừa xuống máy bay, đội một mớ tóc màu trắng dù mặt nàng trông còn rất trẻ. Diễm chỉ về thăm thành phố của một thời con gái của mình chỉ trong vài ngày rồi vội vã ra đi. Riêng tôi mỗi lần nói đến một người bạn gái chung thủy từ thời đi học đến giờ và gần như một nỗi cô đơn tự đầy đủ, tôi lại nhớ đến Diễm; em vừa có đấy vừa không có, và như không có khuyết điểm. Em là một huyền thoại của đời anh. Em đến rồi đi, biến mất về phía bên trời, giống như cô Tấm huyền thoại.

Hóa ra những yếu tố huyền thoại không chỉ là những gì ta đã tiếp nhận từ hồi thơ bé, nó cứ tồn tại mãi mãi trong nhận thức của ta, giống như ngọc xá lợi của đức Phật; cả đến khi ta khôn lớn, và cứ bền bỉ như thế, giúp ta giải mã những bí ẩn của cuộc đời bằng ánh sáng riêng của nó. Tôi là gã hành nhân đi dọc đường đời; mắt nhìn đăm đăm trên đường chân trời, thấy những yếu tố huyền thoại ấy sáng trưng lên soi đường cho tôi, như những thiên thể định hướng không bao giờ tắt.

Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.