Nóng cùng trái đất

22/04/2009 00:01 GMT+7

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học trên thế giới đã cảnh báo trái đất ngày càng nóng lên, trong đó có các tác nhân do con người gây ra. Hậu quả là thiên tai, dịch bệnh ngày càng ác liệt gây tác động lớn đến đời sống của con người và sinh thực vật trên trái đất này.

Cùng với nhiệt độ tăng lên, thì dư luận và mối quan ngại của nhân loại cũng tăng nhiệt, đặc biệt là có cảnh báo nếu nhiệt độ cứ tăng, biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai sẽ làm cho Việt Nam là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất. Chính sự quan tâm, sốt ruột của các nhà khoa học trên thế giới càng làm cho chúng ta nhận thức được nguy cơ sẽ đến với mình.

Ngày trái đất do ông Gaylord Nelson, nguyên thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Wisconsin (Mỹ) phát động vào ngày 22.4.1970 với 20 triệu người tham dự. Từ đó, cho đến nay, hằng năm vẫn được tổ chức kỷ niệm như trồng cây, dọn sạch rác và vận động cho môi trường trong sạch. Nhớ lại, năm 1991, tôi có dịp đến bang Wisconsin để trình bày báo cáo tại hội thảo quốc tế liên quan đến mô hình về chất lượng nước lưu vực sông, không khỏi ngạc nhiên khi từ một thành phố yên tĩnh và trong sạch này vẫn có người bận tâm lo ngại và đi tiên phong phát động Ngày trái đất.

Ở Việt Nam, trong thập niên 70 - 80 thế kỷ trước, do đất nước còn nhiều khó khăn về kinh tế, cuộc sống người dân còn nghèo khó phải nhập cả lương thực nên mục tiêu phát triển là xóa đói, giảm nghèo chưa chú trọng đến khía cạnh bảo vệ môi trường. Từ thập niên 90, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường nhưng do công nghiệp phát triển nhanh chóng, các chất thải độc hại chưa được xử lý đúng mức, nông nghiệp sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, theo cấp số nhân, thải chất độc hại ra môi trường, cuối cùng là các chất hại này cũng xâm nhập vào cơ thể con người. Nhiều thành phố ở nước ta ngày càng bị ô nhiễm cả về tiếng ồn, khói bụi, nước mặt và nước ngầm cùng với rác thải tác động xấu đến chất lượng sống của người dân.

Môi trường bao gồm các yếu tố tự nhiên và vật chất nhân tạo bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển con người và sinh vật. Các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo Việt Nam đang phải đương đầu với các vấn đề về môi trường như nạn phá rừng, khai thác quá mức tài nguyên sinh học, tài nguyên đất xuống cấp, thiếu nguồn nước ngọt trong khi ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, dân số tăng nhanh dẫn đến đói nghèo...

Muốn cho chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, thì mỗi người đều cần có ý thức tham gia từ những việc nhỏ như trồng cây, dọn dẹp vệ sinh, không vứt rác bừa bãi ra đường, nhất là các túi ni-lông gây tắc nghẽn cống làm việc thoát nước bị cản trở. Từ những việc nhỏ, nhìn xa hơn, là các ngành, các cấp, người dân đều phải tuân thủ nghiêm ngặt Luật Bảo vệ môi trường đã được Nhà nước ban hành.

Có câu chuyện về người Indian ở châu Mỹ. Dù trong môi trường khí hậu sa mạc thật đáng sợ nhưng họ vẫn sống được nhờ kiến trúc của họ có công dụng hóa giải sự khắc nghiệt. Trong sa mạc, bức tường nhà của người Indian có thiết kế đặc biệt, độ dày của nó rất vừa mức; ánh mặt trời nóng bức ban ngày không chiếu xuyên qua được bức tường dày, đến khi sức nóng đã thấu vào nhà thì buổi tối cũng vừa đến, bức tường được sấy nóng dần dần tỏa nhiệt lượng tích tồn ban ngày, khiến trong nhà trở nên ấm áp. Nếu bức tường đó mỏng đi một chút, thì ban ngày nhà sẽ biến thành cái lò nướng, ban đêm cũng sẽ không thể phát đủ nhiệt lượng. Dù thông minh như vậy, nhưng chỉ cần bước ra khỏi nhà, họ cũng phải khổ sở vì bất lực trước môi trường khắc nghiệt. Cuộc sống của họ rất nghèo khổ và cơ cực vì không cây xanh, thiếu nước uống và quanh năm đối chọi với nóng bức. Có dịp được đi tham quan những nơi khác ở đồng bằng, hay miền núi có đầy đủ cây xanh, bóng mát và nước sạch, chính người Indian lại càng lo lắng cho đồng loại đang an nhàn, tận hưởng nhưng lại đối xử vô thức đối với môi trường.

Ngày trái đất nhắc nhở chúng ta phải biến thế giới, cụ thể là nơi đang sống và sinh hoạt thành xanh, sạch, đẹp, cũng như Bác Hồ đã từng làm gương, tạo nên truyền thống tốt đẹp "Tết trồng cây", đó là ý nghĩa thiết thực đối với Ngày trái đất.

TS Tô Văn Trường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.