Phản biện và lắng nghe

25/01/2007 00:35 GMT+7

Sơ kết 4 năm (2003-2006) hoạt động tư vấn, phản biện, giám định xã hội, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật (HKHKT) TP.HCM cho biết đã tham gia phản biện, giám định xã hội 79 dự án ở TP.HCM.

Con số 79 là rất nhỏ so với hàng ngàn dự án đã và đang được thực hiện trên địa bàn TP.HCM 4 năm qua, nhưng qua phản biện đã thực sự tạo được những hiệu quả và hiệu ứng xã hội không nhỏ. Những ví dụ điển hình dưới đây cho thấy hiệu ứng và hiệu quả của phản biện xã hội.

PGS-TS Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch Liên hiệp các HKHKT TP.HCM cho biết, trong việc di dời hệ thống cảng Sài Gòn (CSG), lúc đầu Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng dự án, theo đó CSG sẽ di dời ra Cái Mép và như thế mất luôn thương hiệu CSG. Thế nhưng, các nhà khoa học đã phản biện với đầy đủ luận cứ và số liệu cho thấy nếu di dời ra Cái Mép thì mỗi năm thành phố thất thu 28.000 tỉ đồng; còn di dời ra Cát Lái - Hiệp Phước vừa giữ nguyên thương hiệu CSG, vừa giảm thất thu xuống chỉ 2.000 tỉ đồng. Kết quả, sau khi nghe báo cáo tổng thể dự án, Chính phủ quyết định chọn giải pháp di dời hệ thống CSG ra Cát Lái - Hiệp Phước.

Tổng thư ký HKHKT Thủy lợi TP.HCM Phan Khánh nêu một trường hợp khác: Trong dự án thủy điện Sơn La, chủ đầu tư đưa ra cao trình tích nước 265m để trình Quốc hội (1998), nhưng nhờ phản biện quyết liệt của Hội Thủy lợi VN và Liên hiệp các HKHKT VN, Quốc hội (2002) đã duyệt mức tích nước là 215m, tránh được một thảm họa tiềm ẩn thường trực. Thảm họa thường trực, theo ông Khánh là nếu tích nước ở mức 265m, dung tích hồ Sơn La sẽ là 24 tỉ m3, lớn gấp gần 3 lần dung tích hồ tích nước ở Hòa Bình (9 tỉ m3). Cùng một hệ thống sông, hồ Sơn La ở thượng nguồn, Hòa Bình ở hạ nguồn, trường hợp xảy ra sự cố như vỡ hồ Sơn La sẽ là thảm họa khôn lường cho hạ nguồn và cả vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Còn nhiều minh chứng khác được dẫn ra. Như cũng nhờ phản biện đã bác bỏ được một số "dự án phản khoa học đến mức dễ sợ" (cụm từ ông Phan Khánh dùng) như: thay nước Hồ Tây; cắt đôi Trường Sơn lộn ngược dòng sông Sê Bang Hiên (Lào)  để đổ 300 tỉ m3 nước sông Mê Kông ra cửa Thạch Hãn để giảm lũ sông Cửu Long...

Không ai phủ định hiệu quả của công tác phản biện, nhất là  phản biện của các nhà khoa học đã đưa ra những luận cứ cơ sở xác đáng, góp phần không chỉ ở hiệu quả kinh tế mà còn ở hiệu quả xã hội. Nhưng phản biện chỉ có hiệu quả khi được lắng nghe. Trong những dẫn chứng nói trên, các cơ quan chức năng luôn biết lắng nghe sự phản biện chính xác và dũng cảm đưa ra những quyết định hợp lòng dân, có lợi cho đất nước. Bởi không ai toàn tài để có thể xây dựng một dự án, nhất là những dự án ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, văn hóa của đất nước, một cách chỉn chu đến từng góc cạnh. Đáng tiếc, thực tế không phải lúc nào phản biện cũng có hiệu quả, dù đó là những lý lẽ hợp tình, hợp lý.

Trong buổi làm việc mới đây với Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN, một trong những mong muốn của Thủ tướng là thời gian tới MTTQ cần nâng cao vai trò phản biện xã hội của các thành viên. Từ đầu năm 2002, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 22/2002 thể chế hóa về mặt Nhà nước các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các HKHKT VN và các hội thành viên. Tuy nhiên, theo nhiều nhà khoa học, cần phải "luật hóa công tác phản biện và giám định xã hội". Qua đó, quy định rõ dự án mức nào cần phản biện trực tiếp, cỡ nào tổ chức thăm dò ý kiến trực tiếp hoặc qua báo chí... và đặc biệt quy định chế độ trách nhiệm chế tài rõ ràng đối với người ký quyết định đầu tư. Có như thế, phản biện mới được lắng nghe và phát huy hiệu quả cao nhất.

Minh Đức

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.