Phép thử của niềm tin

24/06/2019 04:45 GMT+7

Ngày mai, thí sinh toàn quốc sẽ bước vào kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm học phổ thông.

Nhưng với người dân khắp cả nước, kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 còn mang một ý nghĩa lớn lao khác: Phép thử cho một nền giáo dục nghiêm túc, công bằng, không tiêu cực sau “trận cuồng phong” gian lận điểm thi được xem là lớn nhất trong lịch sử thi cử xảy ra ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang năm 2018.
Gần một năm trôi qua, nhưng những hậu quả mà vụ gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 vẫn còn rất nặng nề, đến mức nghĩ về kỳ thi này, dư luận chỉ thấy phần tiêu cực.
Trong một cuộc trao đổi ngắn giữa phóng viên Thanh Niên với thí sinh trước ngày thi, trong các mong muốn của mình về đề thi phù hợp, điểm tốt…, nhiều thí sinh bày tỏ trông chờ sự công bằng trong kỳ thi. Đây là một thách thức cho những người có trách nhiệm khi niềm tin của xã hội đã vơi dần.
Để lấy lại niềm tin, ngay từ sau khi xảy ra gian lận điểm thi ở 3 tỉnh trên, Bộ GD-ĐT đã có những điều chỉnh rất lớn về công tác chấm thi, vận chuyển, bảo quản đề thi, coi thi... nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng xảy ra tiêu cực.
Lần đầu tiên sẽ có hệ thống camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động 24/24 tại các phòng chứa đề thi, bài thi ở tất cả các điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm nay. Quy trình chấm thi trắc nghiệm thay đổi hoàn toàn với nhiều bước nghiêm ngặt, nâng cấp phần mềm chấm thi, giao trường ĐH chủ trì thực hiện chấm thi trắc nghiệm...
Hai hôm nay, hàng chục ngàn cán bộ giảng viên của tất cả các trường ĐH trên cả nước, như những “chiến sĩ” đã lên đường di chuyển về các địa phương coi thi. Có lẽ chưa bao giờ như lần này, mặc dù biết sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thậm chí phải ăn nghỉ trong khu nội trú của trường nhưng thầy cô ở các trường ĐH vẫn sẵn sàng với quyết tâm mạnh mẽ thực hiện một kỳ thi nghiêm túc.
Trước kỳ thi, Bộ GD-ĐT liên tục cử đoàn thanh tra đến các điểm nóng để kiểm tra, đồng thời có những chấn chỉnh kịp thời với mong muốn sẽ không để xảy ra bất kỳ tiêu cực nào trong suốt kỳ thi.
Nhiều biện pháp kỹ thuật, công nghệ được áp dụng, các nhà quản lý đều thể hiện quyết tâm cao nhằm chứng minh cho xã hội rằng có thể thực hiện một kỳ thi trong sạch. Tuy nhiên, rất nhiều lần, kể từ khi vụ gian lận điểm thi này diễn ra, lãnh đạo Bộ GD-ĐT luôn nhắc nhở rằng giải pháp kỹ thuật, quy trình dù có chặt chẽ bao nhiêu thì việc đảm bảo an toàn, khách quan cho kỳ thi vẫn lệ thuộc vào yếu tố con người.
Con người ở đây không chỉ là những người tham gia công tác thi mà còn là lãnh đạo các địa phương, là các bậc cha mẹ, là bản thân mỗi thí sinh.
Cần phải ý thức được rằng có nhiều con đường để thí sinh vào đời chứ không chỉ duy nhất được học ở các trường danh giá để phải chấp nhận đánh đổi mọi thứ như lòng tự trọng, phẩm giá, nhân cách, danh dự… Có như vậy mới hy vọng niềm tin vào giáo dục, trước hết trong công tác thi cử, được khôi phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.