Phụ nữ nói về... phụ nữ

20/10/2014 04:40 GMT+7

Trong tiết học về đề tài tôn giáo, khi nói về tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, các học viên được yêu cầu nêu vai trò, chức năng của phụ nữ trong đời sống xã hội người VN. Sau khi liệt kê các đầu dòng như: duy trì nòi giống, xây dựng kinh tế, là những chiến binh, giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc... tôi cả gan nêu thêm 'Thay mặt cha mẹ để… dạy dỗ chồng nên người'.

Tuy nhiên, thực lòng mà nói, bỏ qua cái vỏ ngôn ngữ bông lơn, cà khịa đó, thì cái lõi thông tin của gạch đầu dòng kia hoàn toàn nghiêm túc. Giúp chồng thành công, lẽ nào đó không phải là một chức năng, một vai trò rất nổi bật đã mang tính truyền thống của người phụ nữ VN?

Khi tìm hiểu từ các nguồn tư liệu thì điều làm tôi thú vị và rất đáng tự hào là mặc dù chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo Khổng nhưng dễ dàng nhận thấy một đặc điểm rất rõ về người phụ nữ cổ truyền VN, đó chính là người phụ nữ chủ gia đình.

Không khó để tìm gặp những tiêu chí từ vượng phu, ích tử đến bình dân và dễ hiểu hơn: Những người thắt đáy lưng ong/Đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con… Không khó để tìm gặp trong kho tàng văn học dân gian những câu chuyện theo chủ đề: Gái ngoan dạy chồng, những đúc kết: Giàu nhờ bạn sang nhờ vợ, Gái ngoan làm sang cho chồng… nó khẳng định một điều, có một công việc, đúng hơn là một sứ mệnh luôn hiển hiện rờ rỡ trong tâm thức, trong đời sống tinh thần, trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian của người VN nhiều thế hệ, đó là người phụ nữ thì phải biết giúp chồng thành công. Rất nhiều thế hệ phụ nữ Việt thuộc nằm lòng những hình ảnh đã trở thành biểu tượng cho mình, đó là những con cò lặn lội bờ sông, quanh năm buôn bán ở mom sông… gắn với sứ mệnh gánh vác gia đình với những phẩm chất trung hậu, đảm đang, khiêm nhường, vị tha, hy sinh…

Một người bạn nước ngoài nói với tôi rằng anh ta rất thú vị và khâm phục thứ “quyền lực mềm” của những bà vợ Việt: Phụ nữ VN khi đi lấy chồng không bị đổi họ, nhưng tên tuổi họ thường ẩn đằng sau những tên chồng, tên con, tên cháu. Cho dù vậy, họ là những con người quyền lực thật sự trong gia đình. Họ nắm tài chính (kể cả nhận lương và giữ luôn thẻ ATM của chồng!). Không những thế, nhiều người còn đảm trách luôn gia sản và mọi công việc của cả dòng họ bên chồng. Người Việt có những từ để chỉ người vợ vô cùng sâu sắc và ý nghĩa: nhà tôi, mình, bạn đời. Riêng trong phạm vi này thì chỉ số dân chủ về giới của VN thuộc hàng… cao nhất thế giới.

Tuy nhiên, có một thực tế: Ngày càng có rất nhiều phụ nữ vì lo làm việc để tăng thu nhập, họ phải làm việc nhiều hơn, cạnh tranh bình đẳng với các đồng nghiệp kể cả nam giới, họ sẽ không thể dành nhiều thời gian lo cho chồng, con... Điều này khiến ông chồng cảm thấy khó chịu, thậm chí nảy sinh bạo lực gia đình. Rõ ràng, nếu vai trò truyền thống của phụ nữ trong gia đình càng cao thì họ càng ít có cơ hội để đạt được bình đẳng giới. Cũng có một thực tế khác, nhiều phụ nữ vì nghiễm nhiên cho mình là chủ nên thay vì tự khẳng định sức mạnh của bản thân, họ chăm chăm quản lý, lục túi, giám sát và biến mình thành cai ngục của chồng.

Nhiều người nhận xét: Phụ nữ VN có thể bề ngoài không hẳn là mạnh nhưng lại có ảnh hưởng và quyền uy nhất định. Có lẽ vì vậy mà tín ngưỡng thờ Mẫu có một sức sống mạnh mẽ trong đời sống người dân Việt. Và cho dù có mang màu sắc bông lơn đến cỡ nào thì việc thay mặt cha mẹ vẫn không phải là để NUÔI - DẠY mà là DẠY - DỖ. Mối quan hệ được xây dựng từ tình yêu thương sâu sắc, nghệ thuật kết hợp tài tình giữa sự dịu dàng và mạnh mẽ. Một vẻ đẹp mang đậm bản sắc người phụ nữ VN.

Trần Thị Cúc Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.