Quy định phản cảm

13/01/2019 00:00 GMT+7

Quy định “ Không quay phim, chụp ảnh khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” trong Nội quy tiếp công dân do Chủ tịch UBND TP.Hà Nội ban hành ngày 3.1.2019 nói thẳng là rất phản cảm.

Đó không phải là chuyện của riêng Trụ sở tiếp công dân của TP.Hà Nội, mà vấn đề có thể sẽ liên quan đến nhiều quy định tương tự ở các trụ sở công quyền trong cả nước.
Về phía chính quyền, có thể cảm thông với tâm trạng của công chức khi phải tiếp một số công dân có biểu hiện chưa phù hợp, thiếu văn minh trong việc thực hiện quyền công dân khi làm việc với cơ quan công vụ. Chẳng hạn có công dân vừa giao tiếp với nhân viên công vụ vừa ghi âm, ghi hình và phát trực tiếp lên mạng. Những tình huống đó chắc chắn gây ra ức chế, căng thẳng, thử thách cảm xúc của người tiếp dân.
Về phía người dân, cho dù có thể có trường hợp người dân còn chưa thật sự chuẩn mực trong thực hành quyền công dân, nhưng cũng không vì thế mà một văn bản ở cấp độ nội quy lại có thể tùy tiện tước bỏ, phủ nhận quyền của công dân được quy định bởi luật. Ở đây là 1 trong 6 quyền được ghi rõ tại mục c, khoản 1, điều 7 của luật Tiếp công dân 2013: quyền “khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật của người tiếp công dân”.
Muốn khiếu nại, tố cáo trong trường hợp cần thiết thì rõ ràng là phải có bằng chứng độc lập, chứ không phải là bằng chứng phụ thuộc, chẳng hạn kiểu bằng chứng được trích xuất từ camera giám sát của chính cơ quan tiếp dân. Hệ thống camera tại trụ sở tiếp dân là công cụ tự giám sát của chính quyền, còn người dân phải có công cụ giám sát độc lập của họ.
Cấm công dân quay phim, chụp ảnh, ghi âm các phiên giao tiếp công vụ chắc chắn là một nội dung cấm đoán không phù hợp với quy định của pháp luật. Vậy nên văn bản nội quy tiếp công dân của TP.Hà Nội không đủ tự tin để dùng thẳng động từ “cấm”, mà chỉ “khôn ngoan” đặt quy định này vào một ràng buộc “không... khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân”. Một ràng buộc như thế chắc chắn tạo ra khoảng rộng mênh mông cho các suy diễn xấu xí về động cơ của chính quyền, và gần như cũng sẽ tạo điều kiện hợp pháp để bảo vệ công chức tiếp dân mà bỏ qua quyền chính đáng của công dân.
Nếu công chức tiếp dân thật sự đạt được tính chuyên nghiệp thì những thử thách kiểu này chẳng thể làm khó được mình. Cũng chẳng ai tước đi quyền của công chức được kiện ra tòa bất cứ ai có hành vi vu khống hay bôi nhọ mình.
Đặt vấn đề này vào một tầm nhìn khác nữa, còn phải nói thêm rằng, chính quyền và công chức cũng phải đủ bản lĩnh sử dụng chính bằng chứng từ hệ thống camera giám sát của mình để cung cấp thông tin đối chứng và khẳng định sự minh bạch, tính chuyên nghiệp của mình nếu có tình trạng cố tình xuyên tạc, vu khống. Chứ không phải là tìm cách đặt ra một quy định phản cảm như thế trong nội quy tiếp dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.