Quyền của người dân

07/03/2019 04:24 GMT+7

Chúng ta cần cho phép hình thành những định chế để thực hiện các quyền: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... thay vì tự phát.

Khi Tổng cục Đường bộ nói sẽ mời công an “vào cuộc” vụ 10 người dân “bắc ghế” ngồi đếm xe qua Trạm BOT Ninh Lộc (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa), người viết bất giác nhớ đến lão nông Phạm Tấn Lực (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) và hành trình 5 năm miệt mài tố cáo sai phạm của nhà thầu dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Nếu từ năm 2015, những tố cáo của lão nông Phạm Tấn Lực (vốn là bảo vệ bán thời gian tại công trường gói thầu A3, thuộc dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi) được tôn trọng thì hẳn chất lượng cao tốc 34.000 tỉ Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã không tệ như hiện nay.
Sau khi toàn bộ giấy tờ ghi chép việc đếm xe kể từ ngày 26.2 “không cánh mà bay”, hôm qua, nhóm người dân đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc cho biết, sẽ tạm dừng kiểm đếm thủ công để tìm phương pháp khác có “độ xác thực cao hơn” hòng “được cơ quan chức năng chấp nhận”.
Nhưng những thông tin đầu tiên của nhóm kiểm đếm xe tại Trạm BOT Ninh Lộc rất đáng quan tâm. Với lưu lượng xe được nhóm kiểm đếm thì chủ đầu tư BOT Ninh Lộc thu về trung bình 1 tỉ đồng/ngày, 365 tỉ/năm. Và như vậy, với tổng vốn đầu tư 2.644 tỉ thì thời gian hoàn vốn của dự án lên tới 21 năm 8 tháng 16 ngày là quá vô lý.
Thay vì ngăn cản, các cơ quan chức năng địa phương, đặc biệt là các tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, nên có biện pháp bảo vệ, hỗ trợ người dân thực hiện quyền giám sát của công dân. Tổng cục Đường bộ thay vì “dọa”, nên chủ động thi hành quyền quản lý nhà nước, đặt máy đếm xe tại trạm BOT và cho người dân câu trả lời công khai, minh bạch.
Điều 28 Hiến pháp quy định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân”.
Do vậy, chúng ta cần cho phép hình thành những định chế để thực hiện các quyền: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... thay vì tự phát.
Và không chỉ trong lĩnh vực chống tham nhũng, lãng phí, những vấn đề như ô nhiễm môi trường cũng rất cần vai trò phát hiện, giám sát của nhân dân.
Nên cho phép người dân ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao hình thành các nhóm bảo vệ môi trường, cho họ gây quỹ lập các trạm quan trắc độc lập…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.