Quyền tiếp cận thông tin

11/10/2017 06:27 GMT+7

Việc các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước từ chối cung cấp thông tin cho báo chí vì lý do nào đó đã từng được ghi nhận nhiều lần.

Điều này là vi phạm luật Báo chí, quy chế người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành luật Báo chí, quy tắc nghề nghiệp báo chí và luật Tiếp cận thông tin mà Quốc hội vừa ban hành.
Nhưng quy định: muốn đăng ý kiến phát biểu của cá nhân tại các cuộc hội nghị, hội thảo, gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện, các nhà báo phải xin phép và được sự đồng ý của người phát biểu của UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành mới thật là... siêu hình.
Quy chế người phát ngôn của Chính phủ, vốn nhằm mục tiêu thúc đẩy trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước đối với báo chí, khi đến Cà Mau đã bị biến thành rào cản để từ chối cung cấp thông tin cho báo chí, đồng nghĩa từ chối quyền tiếp cận thông tin của công dân qua báo chí. Thậm chí, quy chế này còn “đóng cửa” luôn đối với cả những thông tin hội nghị, hội thảo, vốn mặc định là thông tin công khai.
Quyền tiếp cận thông tin là quyền của mọi công dân được Hiến pháp ghi nhận. Luật Tiếp cận thông tin cũng quy định nội hàm của quyền này, bao gồm cả trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc công khai, minh bạch một số thông tin trong một số lĩnh vực cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của cơ quan, tổ chức đó.
Luật Báo chí quy định những quyền tác nghiệp cơ bản của nhà báo như sau: Hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN; Khai thác và được cung cấp thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật.
Tóm lại, luật pháp VN dành quyền cho mọi người dân được tiếp cận thông tin, riêng nhà báo được quyền hoạt động báo chí, khai thác thông tin. Mọi hành vi cản trở các quyền hiến định nói trên đều vi phạm pháp luật.
Đương nhiên, nhà báo cũng sẽ và chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung bài viết của mình theo luật định.
Trở lại quy định của Cà Mau trong quy chế người phát ngôn “siêu hình” kể trên, đó là quy định vi phạm pháp luật Báo chí, Tiếp cận thông tin, xâm phạm quyền hiến định của công dân và cần phải bị “thổi còi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.