Quyết định không dễ dàng

19/04/2020 06:20 GMT+7

Những con số thống kê về tình hình nhiễm Covid-19 đã phản ánh rõ ràng hiệu quả kiểm soát dịch mà Chính phủ kiên quyết thực hiện ngay từ cuối tháng 1.

Chúng ta cũng đã có gần 3 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về cách ly xã hội, đóng cửa hầu hết các hoạt động kinh tế. Thật ra, nhiều hoạt động kinh tế đã đóng trước cả thời điểm Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16. Người dân chấp nhận đối mặt với rất nhiều khó khăn để tuân thủ cách ly, giữ an toàn cho cộng đồng. Quyết tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của người dân là sức mạnh đặc biệt giúp VN giữ đất nước an toàn trong thời điểm Covid-19 hoành hành dữ dội trên toàn cầu.
Chúng ta đã tránh được một cuộc khủng hoảng y tế mà hậu quả có thể hình dung qua con số lây nhiễm và tử vong đáng sợ ở nhiều quốc gia. Nhưng các dự báo kinh tế cũng cho thấy có thể chúng ta phải đối mặt với một khủng hoảng khác không kém phần nguy hiểm nếu không tìm được cách thức ứng phó mới linh hoạt hơn. Làm sao vừa giữ được hiệu quả kiểm soát dịch bệnh vừa mở cửa dần dần nền kinh tế để sớm tìm lại đà hồi phục, giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, tránh những đổ vỡ không thể cứu vãn về kinh tế và xã hội?
Sẽ phải cần đến một giải pháp “phân mảnh”, thực hiện giãn cách xã hội với nhiều mức độ phân ly giữa các địa phương, giữa các ngành nghề kinh tế. Theo lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp nghiên cứu dự thảo chỉ thị mới về công tác phòng, chống dịch Covid-19, sắp tới Chính phủ sẽ thông qua chỉ thị mới tạo một khung quy định những giải pháp chung cho cả nước và các nhóm địa phương ứng phó với dịch.
Quyết định điều chỉnh chiến lược phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới để vừa giữ an toàn cho nhân dân, vừa giữ sức cho nền kinh tế, tránh đổ vỡ kép có thể xảy ra rõ ràng là một quyết định không hề dễ dàng, nếu không muốn nói là rất khó khăn. Nhưng đó sẽ là một quyết định nữa phản ánh bản lĩnh và năng lực điều hành của Chính phủ trong khó khăn vì dịch bệnh.
“Phi nông bất ổn”: Nông nghiệp và chế biến nông sản phải giữ “chân trụ” trong tình thế mà “cơ thể kinh tế” có nguy cơ chao đảo. “Phi thương bất hoạt”: Thương mại quốc tế phải được duy trì kèm với chỉ định kiểm soát ngăn chặn nguồn lây từ nước ngoài; lĩnh vực bán lẻ phải tạm tìm sự cân bằng bằng cách khai thác thương mại điện tử để hạn chế giao dịch trực tiếp. Chính phủ nên ban hành hướng dẫn để duy trì hoạt động mua bán trong phạm vi kiểm soát an toàn. Một số lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ có thể sẽ phải hy sinh, chịu đựng khó khăn lâu thêm nữa cho đến khi dịch bệnh trên thế giới có thể kiểm soát.
Người dân vẫn rất lo lắng về dịch Covid-19, nhưng cũng rất mong được sớm trở lại với công ăn việc làm. Điều chỉnh chiến lược giãn cách xã hội hợp lý để khởi động lại dần dần nền kinh tế sẽ là một quyết định rất khó khăn, nhưng cũng là quyết định đang rất được người dân mong đợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.