Răn mình sửa người

'Những điều cần biết về trật tự, kinh doanh, môi trường du lịch trong khu phố cổ Hội An' đang gây chú ý trong dư luận, dù 7 điều nên làm, 6 điều không nên làm, 5 điều cấm mà chính quyền thành phố liệt kê không phải là 'ràng buộc' gì to tát.

Thậm chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó chủ tịch UBND TP.Hội An thừa nhận những khuyến cáo ấy đã có từ lâu rồi trong cộng đồng, chính quyền thành phố chỉ làm nhiệm vụ “biên tập” lại.
Câu hỏi đặt ra là dù chưa chính thức nâng thành bộ quy tắc ứng xử, vậy làm thế nào các quy định mang tính khuyến cáo, ít chế tài như thế lại thẩm thấu rất sâu trong đời sống người dân phố cổ và đang tác động trở lại với du khách? Lý giải điều này, một lãnh đạo thành phố hết sức tự tin khi đề cập yếu tố bề dày văn hóa của một di sản. Hội An vốn dĩ được biết đến là nơi nhân tình thuần hậu, nơi có cảnh quan môi trường đặc thù. Và quan trọng hơn, theo ông Nguyễn Văn Sơn, là chính quyền địa phương không xử lý vấn đề theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, nay ban hành quy định này mai sửa quy định khác mà nhất quán, kiên quyết.
Vừa trở về từ Luang Prabang (Lào), ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An tỏ ý tâm đắc với cảnh từ 5 giờ sáng du khách đã thức dậy để… xem các đoàn nhà sư khất thực trên phố, người dân hai bên đường kính cẩn dâng thức ăn vào bình bát tại Lào. Cảnh tượng đó, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Sự, là không hề “diễn” cho du khách mà thực sự đã là cuộc sống, là tâm tình, nếp nghĩ, văn hóa của người bản địa. Và giá trị đích thực ấy mới là thứ để người từ nơi khác cần để tìm hiểu, khám phá… Liên hệ với đô thị cổ Hội An, ông Nguyễn Sự cũng đề cập nhiều “giá trị đích thực”. Cơ chế con người nói chung luôn muốn làm điều tốt, nhưng theo ông Sự, con người Hội An rất sợ cộng đồng phát hiện mình làm điều gì đấy không tốt, lúc nào cũng trong tâm thế sợ “quan trên nhìn xuống người ta trông vào” dù họ không hề nghĩ mình “phương diện quốc gia”.
Từ đó, nảy nòi những hành vi và ứng xử hoàn toàn tự giác, không cần chính quyền can thiệp. Riết rồi con người ta ngay ngắn hơn, tử tế và đàng hoàng hơn, tự tìm cách ràng buộc để giữ mình. Mà theo ông Nguyễn Sự, tận cùng của những quy định, quy tắc, ràng buộc đó chính là chiều sâu văn hóa của một vùng đất.
Sực nhớ, TP.Hội An nhắc người dân đến tận chi tiết nhỏ trong “những điều không nên làm”: không treo lồng đèn cũ, hư hỏng, lồng đèn nhựa. Vì sao như vậy? Chiếc lồng đèn Hội An không đẹp hơn lồng đèn Huế, không tinh xảo hơn lồng đèn Hà Nội mà vẫn vượt khỏi ranh giới quốc gia ra với năm châu bốn bể, đơn giản vì nó gắn liền với đêm rằm phố cổ. Mà sản phẩm du lịch “đêm phố cổ” đã kéo dài suốt 18 năm, trở thành một giá trị riêng biệt.
Không phải quy tắc nào cũng nhanh chóng tạo sự đồng thuận ở Hội An. Chuyện cấm bán hàng rong cũng từng gây ì xèo, khiến thành phố phải họp bàn công khai lấy ý kiến người dân. Sắp mở rộng không gian phố đi bộ bao trùm cả chợ Hội An xuống đến đường Hoàng Diệu, nhiều người dân P.Minh An đã đồng tình nhưng một số tiểu thương chưa ưng thuận. Lại phải vận động, thuyết phục. Cũng chính vì thế, bộ quy tắc mà TP.Hội An hoàn toàn “mở”: khi không gian rộng hơn, đối tượng nhiều thêm, có những vấn đề chưa điều chỉnh hết… thì sẽ phải bổ sung chỉnh sửa. Hội An đang tự “dọn mình”, giữ lấy mình để tạo nét độc đáo trong mắt du khách. Ngược lại, khách phương xa khi lạc bước vào không gian văn hóa đặc trưng ấy hẳn cũng nhanh chóng điều chỉnh hành vi. Đấy là phong cách mới, khi chủ nhà tự răn mình để sửa người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.