Sao phải đụng độ?

17/06/2017 07:28 GMT+7

Cuộc đụng độ giữa những người chạy xe ôm truyền thống và xe ôm Grab tối 15.6 ở Bến xe Miền Tây (TP.HCM) lên một mức báo động mới khi công an buộc phải nổ súng chỉ thiên để vãn hồi tình hình.

Đây không phải vụ xung đột đầu tiên liên quan giữa xe ôm truyền thống với xe ôm dùng công nghệ. Một cuộc cạnh tranh “căng thẳng” đang âm thầm nóng hơn, đáng báo động về góc độ an ninh trật tự, an toàn tính mạng con người.
Người chạy xe ôm Grab được hỗ trợ công nghệ đón khách. Còn những người chạy xe ôm truyền thống đa phần lớn tuổi, xe thì cũ, thường đóng chốt ở các nhà ga, bến xe. Họ được xếp tài, cả ngày chỉ mong được vài khách hàng nhưng giờ đây xuất hiện những đối thủ lấy khách của họ.
Từ chuyện xe ôm đụng độ, nhìn ra góc độ giao thông đô thị, một con số đáng giật mình theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM: ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách được cấp giấy phép chạy hợp đồng điện tử hiện tại là 22.000 chiếc. Cuối năm 2015, có 200 - 300 chạy hợp đồng đi đường dài. Đầu năm 2016 bắt đầu thí điểm Grabtaxi, số lượng tăng lên 2.437 xe, tới tháng 6.2016 là hơn 15.000 và đến đầu tháng 4.2017 đã có hơn 22.000 xe. Trong khi đó, TP.HCM có hơn 11.000 xe taxi truyền thống. Như vậy, lượng ô tô dưới 9 chỗ hoạt động kinh doanh vận tải hành khách là hơn 33.000 xe, phá vỡ quy hoạch taxi trên địa bàn thành phố.
Có thể thấy, chủ trương khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng sẽ như thế nào từ sự xuất hiện quá nhiều loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác?
Nhìn sang Thái Lan, có nhiều chuyện để chúng ta phải tham khảo. Muốn chạy xe ôm, người hành nghề phải đăng ký để kiểm tra nhân thân và đóng một khoản phí ký quỹ rất thấp. Tùy vào khu vực, bến bãi và mật độ dân cư nơi đó, nhà chức trách Thái Lan khống chế số lượng người chạy xe ôm. Họ được phát áo phản quang để hành nghề, có thể chuyển nhượng lại (thu hồi tiền ký quỹ). Các bến xe ôm vẫn tập trung ở các nơi đông người: bến tàu điện, nhà ga, trung tâm mua sắm, nhưng họ chở khách có giá cụ thể, rõ ràng theo quy định (trừ những tuyến xa tự thỏa thuận). Xe ôm chỉ được bắt khách trong khu vực của mình hoặc nơi khách ngoắc không có bến bãi.
Taxi ở Thái Lan thì giá siêu rẻ, chỉ khoảng 5.000 đồng/km. Họ áp dụng phí mở cửa cao (35 baht, khoảng 20.000 đồng), mỗi cây số tiếp theo chỉ khoảng 4 - 5 baht (3.000 - 4.000 đồng). Giá taxi quá rẻ vì xe của họ chạy bằng gas rẻ hơn xăng, quan trọng nhất là phí mở cửa cao, nên tài xế không cần chạy nhiều mà chỉ cần bắt càng nhiều khách càng có lợi, không xảy ra chặt chém, hét giá như bên ta. Người Thái không chuộng Grab, Uber, họ không có những vụ “đụng độ” vì muốn đi đâu cũng có sẵn phương tiện giao thông công cộng với giá rất rẻ như xe buýt, metro; còn giá cao hơn thì có taxi, xe ôm, xe tuk tuk.
Hiện tại giao thông công cộng ở TP.HCM mới đang phát triển loại hình xe buýt. Còn metro thì dự kiến phải đến năm 2020 mới hoạt động tuyến đầu tiên (Bến Thành - Suối Tiên). Trong khi chờ loại hình giao thông công cộng thêm phong phú, các nhà quản lý đô thị nên xem lại việc cho phát triển quá nhiều loại hình kinh doanh vận tải hành khách khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.