Tại sao phải hạn chế quyền sở hữu nhà ở của Việt kiều?

24/05/2009 00:43 GMT+7

Quốc hội đang thảo luận để sửa đổi điều 126 Luật Nhà ở và điều 121 Luật Đất đai nhằm tạo điều kiện cho việc điều chỉnh chính sách về nhà ở cho Việt kiều. Đây là một trong những nội dung được trông đợi, không chỉ của hơn 3 triệu kiều bào ta ở nước ngoài mà quan trọng hơn nó là thông điệp của Nhà nước VN khẳng định kiều bào luôn là bộ phận không thể tách rời của dân tộc VN.

Có 2 sửa đổi đáng ghi nhận trong dự thảo mà Chính phủ trình Quốc hội hôm 22.5.2009. Thứ nhất là về đối tượng. Thay vì 5 nhóm đối tượng như luật hiện hành, dự án luật sửa đổi đã tách đối tượng người VN định cư ở nước ngoài nói chung thành hai dạng là người có quốc tịch VN và người gốc VN (thuộc diện: người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam; người có công đóng góp cho đất nước; nhà văn hóa, nhà khoa học, người có chuyên môn, kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước mà có nhà ở thuộc tài sản chung của vợ chồng) sẽ được sở hữu nhà tại VN. Như vậy đối tượng được mở rộng vì theo báo cáo của Bộ Xây dựng thì khoảng 70% Việt kiều hiện còn giữ quốc tịch VN. Thứ hai là điều kiện về thời gian. Những đối tượng kể trên chỉ cần được phép cư trú ở VN từ 3 tháng trở lên là có thể mua và sở hữu nhà thay vì 6 tháng như hiện hành.

Nhưng dự thảo cũng khiến nhiều người băn khoăn, ngay cả các đại biểu Quốc hội. Dự luật chỉ cho phép Việt kiều được sở hữu một căn hộ chung cư hoặc nhà riêng lẻ để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại VN. Tiến sĩ luật Nguyễn Ngọc Đào (đại biểu QH Hà Nội) thẳng thắn đề nghị: “Nên để Việt kiều được mua, sở hữu nhà ở như công dân trong nước. Họ cũng là người Việt Nam, không nên hạn chế số lượng nhà được mua, nên cho mua thoải mái, cởi trói đến cùng”. Theo dự thảo luật thì việc sửa đổi điều 121 Luật Đất đai cũng chỉ cho các Việt kiều có quyền theo quy định của điều 106 Luật Đất đai mà không cho họ các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp, bảo lãnh, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Trong phiên thảo luận tổ chiều 22.5, tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu QH TP Hồ Chí Minh cũng thấy điều này là “kỳ cục”. Không thể có chuyện có đất, có nhà (phải mua bằng tiền cá nhân) nhưng khi Nhà nước thu hồi lại không được bồi thường. Đương nhiên, việc Nhà nước thu hồi không phải lúc nào cũng xảy ra nhưng ở đây tiến sĩ Trần Du Lịch muốn nói một vấn đề quan trọng hơn, sẽ là rất phi lý khi hạn chế quyền của người sở hữu nhà. Ngay cả Nghị quyết 19 khi cho phép người nước ngoài mua và sở hữu nhà (căn hộ chung cư) tại VN cũng không đặt vấn đề loại trừ quyền này.

Nếu theo dõi diễn biến của việc xây dựng chính sách nhà ở với Việt kiều sẽ thấy rằng dự luật đã có sự “tụt lùi”. Tháng 9.2008, cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo luật sửa đổi lúc đó là Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ một dự thảo với việc đề nghị đối tượng Việt kiều có quốc tịch VN được sở hữu nhà giống như công dân trong nước và chỉ còn rất ít đối tượng Việt kiều bị hạn chế số lượng sở hữu nhà. Quyền sở hữu nhà gắn liền với quyền sử dụng đất cũng không hạn chế. Đề nghị này khi ấy, được cho là nhận được sự đồng tình 100% của Chính phủ. Nhưng đến tháng 10.2008 nó đã không được Ủy ban Thường vụ QH thông qua vì cho rằng quy định “quá rộng” này sẽ làm náo loạn thị trường bất động sản trong nước.

Cũng cần phải nhớ rằng, chính sách thí điểm cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà trong nước đã ra đời từ 9 năm trước, nhưng tính đến tháng 3.2009 mới chỉ có khoảng 140 Việt kiều sở hữu nhà trong nước. Theo thống kê từ các sàn giao dịch thì lượng Việt kiều mua và đứng tên sở hữu nhà cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 0,5% trên tổng số giao dịch thành công. Nên có lẽ lo lắng về việc chính sách có thể bị lạm dụng, khiến tình trạng đầu cơ thêm trầm trọng không có cơ sở lắm. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng từng phát biểu rằng: “Trên 80 triệu dân còn chẳng lo đầu cơ, ngại gì với hơn 3 triệu kiều bào”.

Đó là chưa kể, điều 58 của Hiến pháp năm 1992 nói rằng: công dân VN là người có quốc tịch VN; công dân VN có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất... Hiến pháp không có quy định phân biệt giữa công dân đang sinh sống ở trong nước với công dân đang sinh sống ở nước ngoài. Do đó, về nguyên tắc, những người được công nhận là công dân VN thì cũng có quyền ngang nhau trong vấn đề sở hữu nhà ở, pháp luật về nhà ở vì vậy cũng không nên có sự phân biệt để tạo tâm lý yên tâm và khuyến khích Việt kiều gắn bó với quê hương. 

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.