Tham vấn chính sách

01/03/2014 02:15 GMT+7

Với sự xuất hiện chính thức của đại diện chủ đầu tư và khách hàng mua căn hộ chung cư, phiên họp giám sát việc ban hành văn bản quy phạm hướng dẫn thi hành luật Nhà ở của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội hôm 25.2 thực tế là một phiên điều trần, mặc dù Ủy ban Pháp luật vẫn khiêm tốn gọi đó là phiên giải trình.

Điều trần là hoạt động giám sát không mới đối với cơ quan lập pháp nhiều nước trên thế giới, nhưng ở VN, nó được biết đến với thuật ngữ ít gay gắt hơn: giải trình. Điều trần hay giải trình đều nhằm thu thập, kiểm chứng thông tin để làm rõ các vấn đề quan trọng nhưng còn có ý kiến khác nhau, để làm cơ sở ban hành chính sách mới hoặc hoặc giám sát kết quả thực hiện các chính sách đã ban hành. Nhưng đối tượng tham gia của 2 hoạt động này khác nhau. Nếu giải trình chỉ yêu cầu sự tham gia của cơ quan dân cử và cơ quan quản lý nhà nước thì điều trần đòi hỏi thêm sự tham gia tối thiểu của bên thứ ba: đối tượng chịu tác động của chính sách (cử tri) hoặc các bên liên quan, các chuyên gia độc lập.

Chưa rõ kết quả cuối cùng của phiên giải trình tại Ủy ban Pháp luật hôm 25.2, nhưng các chuyên gia đều thừa nhận, đây là một phiên họp thành công nhất kể từ phiên giải trình đầu tiên được thực hiện tại các ủy ban của Quốc hội, hồi tháng 4.2010. Vì sao? Đây là phiên họp hiếm hoi Quốc hội không chỉ nghe giải trình từ chính phủ mà còn nghe những phản ánh từ các đối tượng bị điều chỉnh của chính sách. Trước đó, một nhóm nghiên cứu độc lập cũng được lập ra để thực hiện việc rà soát, điều tra, nghiên cứu quá trình ban hành và áp dụng chính sách thi hành luật Nhà ở. Như vậy có thể thấy, việc chuẩn bị cho một phiên điều trần đã rất cẩn trọng và các thông tin tập hợp được là không thể chối cãi.

Yêu cầu thực tế cuộc sống và những tiến bộ trong công tác lập pháp đã khiến các ủy ban của Quốc hội hiện nay làm khá tốt hoạt động giải trình, trước, trong và sau một quy trình lập pháp. Tuy nhiên, một ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tiết lộ: trước mỗi phiên giải trình thường các ủy ban phải tranh luận nhiều về việc có mời truyền thông tham gia hay không (chưa nói đến cử tri). Và kết quả cuối cùng thường là không mời. Tâm lý lo ngại các phiên giải trình tạo nên sự căng thẳng, gây ra mâu thuẫn giữa ủy ban của Quốc hội với đối tượng phải giải trình vẫn còn quá lớn.

Khi nào vượt qua được tất cả những lo ngại này, có lẽ chúng ta sẽ có được một môi trường áp dụng luật pháp minh bạch, lành mạnh. Và cuối cùng, hoạt động điều trần tham vấn cần được áp dụng rộng rãi hơn, cả trong thẩm tra các dự án luật. Bởi chỉ có tranh luận, phản biện, đối chiếu, điều tra, mới cho nguồn thông tin đa chiều - điều kiện tiên quyết để tránh các chính sách “trên trời”.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.