Thanh tra

17/05/2017 06:09 GMT+7

Hôm qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản yêu cầu các bộ, ngành chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp 6 - 7 lần trong 1 năm.

Yêu cầu này của Thủ tướng cũng cho thấy, hoạt động thanh - kiểm tra đã không thực hiện đúng Nghị quyết 35 của Chính phủ là chỉ được phép thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (DN) không quá 1 lần/năm...
Yêu cầu này của Thủ tướng cho thấy, người đứng đầu Chính phủ thấu hiểu hơn ai hết, nỗi khổ của DN trước "nạn" thanh - kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước.
Một DN giấu tên than thở, họ còn khốn khổ vì cái nhìn thiếu thiện cảm, nghi ngờ của đối tác, của khách hàng, của những người xung quanh khi bị thanh - kiểm tra quá nhiều. Không ít trường hợp, DN bị mất cơ hội, mất hợp đồng chỉ vì tâm lý của nhiều người là "anh phải có "phốt" gì thì mới bị thanh tra nhiều như vậy". Điều này được minh chứng rõ nhất qua việc Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra 60 dự án "đất vàng" và dừng thi công các dự án xây dựng nhà cao tầng đang triển khai thực hiện tại trung tâm thành phố lớn mà chưa thực hiện đúng thẩm quyền giao sử dụng đất không qua đấu giá đang gây bức xúc dư luận hiện nay.
Có 2 vấn đề cần lưu ý trong đề xuất của Bộ Tài chính. Thứ nhất, đề xuất công bố công khai khi chưa có kết luận cụ thể về vi phạm của các dự án. Không hề quá lời khi nói, sự thiếu thận trọng này có thể giết chết bất cứ DN nào, nhất là với lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản. Thị trường "thẩm thấu" rất nhanh thông tin này với một loạt dự án bị khách hàng hủy hợp đồng, ngưng đóng tiền; những lời đồn thổi, những cú điện thoại hỏi han trong hoang mang, lo lắng... khiến các chủ đầu tư lao đao. Thứ hai, đề xuất thanh tra nhầm đối tượng. Thay vì nói rõ thanh tra các UBND tỉnh - thành bán rẻ "đất vàng" (nếu có) thì ở đây, Bộ Tài chính lại kiến nghị thanh tra và dừng thi công dự án. Nên nhớ, các đơn vị sở hữu "đất vàng" đóng vai trò người bán và đưa ra giá bán. Họ định giá sao thì các chủ đầu tư mua vậy. Nên nếu cần thanh tra, thì đây chính là đối tượng. Còn dự án chỉ bị dừng thi công nếu sai phạm về cấp phép, xây dựng. Đề xuất thiếu rõ ràng của Bộ Tài chính đã gây hoang mang cho thị trường và hệ quả của nó vẫn chưa dừng lại nếu không có một công bố minh bạch chính thức từ bộ này.
Đáng lo ngại hơn, trong khi có những DN phải hứng chịu hàng chục cuộc thanh tra, có những dự án khốn khổ vì thanh tra "nhầm đối tượng" như nói trên thì rất nhiều dự án công khai sai phạm như hàng loạt dự án của Tập đoàn Mường Thanh ở khắp các tỉnh thành; dự án Alaska tại Hà Nội xây tới 18 tầng không giấy phép xây dựng... cơ quan quản lý tại tỏ ra bất lực. Dư luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi, có gì đằng sau những đề xuất thanh tra tùy tiện? Tại sao lại có những DN suốt ngày bị "hỏi thăm" trong khi các sai phạm "sờ sờ" trước mắt lại được bỏ qua? Tại sao Chính phủ đã yêu cầu thanh tra 1 lần/năm mà DN vẫn bị 6 - 7 lần...
Hôm nay, Thủ tướng có cuộc gặp gỡ với các DN. Hy vọng công tác thanh - kiểm tra sẽ được giải quyết để không trở thành "vấn nạn", gây khó khăn cho cộng đồng DN, để họ tập trung phát triển kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, trở thành động lực của nền kinh tế như Nghị quyết T.Ư 5 đặt ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.