Tháo treo, vừa mừng vừa lo

06/01/2021 04:27 GMT+7

Quy định người dân được xây mới nhà cửa trên đất quy hoạch các dự án, đồ án “treo” đã quá 3 năm không thực hiện khiến người dân và cả chính quyền đều nửa mừng, nửa lo.

Mừng thì rõ rồi, quyền lợi chính đáng của người dân được trả lại một phần. Nói "một phần" vì rất khó để cân, đo, đong, đếm hết những thiệt hại của họ khi phải sống trong vùng quy hoạch treo nhiều năm trời.
Thay vì quy hoạch xong thì nhận tiền đền bù, xây dựng cuộc sống mới. Hàng ngàn, hàng vạn hộ dân phải sống tạm bợ trong chính mảnh đất, ngôi nhà của mình. Nhà hư không thể sửa chữa, xây dựng; nhà chật không thể cơi nới, thêm tầng; cần vốn làm ăn không thể thế chấp ngân hàng; muốn sang nhượng cũng bó tay.
Chưa kể các dự án quy hoạch treo còn ngày càng nhếch nhác, ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và mỹ quan đô thị. Mà tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội... quy hoạch treo hàng thập kỷ, thậm chí nhiều thập kỷ, không hiếm. Thế nên giờ được xây, sửa và sau này đền bù trên giá trị xây sửa thì ai cũng mừng. Nhưng vừa mừng cũng vừa lo vì quy định còn nhiều cái chưa dứt khoát.
Ví dụ theo quy định "Khi hết thời hạn tồn tại của công trình ghi trong giấy phép xây dựng có thời hạn và cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất, chủ đầu tư cam kết tự phá dỡ công trình, nếu không tự phá dỡ thì bị cưỡng chế và chịu mọi chi phí cho việc phá dỡ. Trường hợp quá thời hạn này mà quy hoạch xây dựng chưa thực hiện được, chủ đầu tư được tiếp tục sử dụng công trình cho đến khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyết định thu hồi đất. Việc hỗ trợ khi phá dỡ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai...". Có nghĩa là vẫn bỏ lửng việc "treo vô thời hạn" ở phía sau. Nghĩa là vẫn phải sống thấp thỏm, vẫn chưa biết được "tạm" trong bao lâu để cân đo đong đếm việc xây dựng sao cho hiệu quả nhất, đỡ thiệt hại nhất. Cũng không biết còn phải "tạm" trong bao lâu mới chấm dứt tình trạng sống treo hiện tại.
Về phía chính quyền cũng tương tự. Áp dụng quy định này, chắc chắn sẽ bớt khiếu kiện, bộ mặt đô thị bớt nhếch nhác, quỹ đất quỹ nhà được khai thác, đời sống kinh tế của người dân nói riêng tốt hơn thì chính quyền tất nhiên sẽ vui mừng hơn. Chưa kể thậm chí còn có thể tăng thu nhập cho ngân sách từ các quy hoạch treo ở vị trí trung tâm, vị trí có thể sử dụng quỹ đất cho kinh doanh, đầu tư... ngắn hạn.
Ngược lại, áp lực tháo quy hoạch treo dù chỉ tạm thời là rất lớn. Thực ra không phải đến bây giờ mới có quy định về việc tháo treo quá hạn hay cho người dân xây dựng tạm trong các dự án treo nhưng hỏi đến cơ quan nào cũng lắc đầu, cũng kêu vướng cái nọ, khó cái kia. Hệ quả là nhiều dự án treo đến vài thập kỷ như nói trên. Nhưng giờ luật đã quy định rõ ràng, không làm là phạm luật... Mừng nhưng lo là thế. Chưa kể quy định xây tạm thế nào, trong bao lâu cho phù hợp với mỗi dự án, mỗi vị trí... nếu không làm cẩn trọng và kiểm tra, giám sát kịp thời thì có thể lại để lại hệ quả sau đó.
Một nguồn lực rất lớn của xã hội đang nằm trong hàng ngàn các quy hoạch treo từ hẻm ra đường, từ vùng ven tới trung tâm, từ tư nhân tới nhà nước... cho thấy chất lượng và tầm nhìn của làm quy hoạch, duyệt quy hoạch và thực hiện quy hoạch mới là cái gốc của vấn đề. Sửa ngọn nhưng nếu không sửa từ gốc thì tháo chỗ nọ sẽ lại treo chỗ kia mà thôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.