Thế mới là thầy ngoại !

05/02/2007 00:12 GMT+7

Người Singapore hẳn là những người biết tiêu tiền nhất ở Đông Nam Á này. Ông "thầy ngoại" Avramovic của đội tuyển Singapore đúng là "đáng đồng tiền bát gạo". Nhìn cách Singapore chơi bóng trên sân Thái Lan mới thấy hết bản lĩnh của vị HLV này.

Hiệp một, Singapore chơi ngang ngửa ở nửa đầu hiệp với Thái, nhưng sau đó họ đã lùi quân về chơi ngăn chặn chủ nhà là chính. Với lối chơi có phần thụ động này, họ đã giúp chủ nhà Thái tràn lên tấn công trực diện trung lộ. Ông Chanvit cũng là một HLV giỏi, khi sau trận lượt đi với những pha đánh biên không hiệu quả, ông Chanvit đã tập trung một hàng tiền vệ đánh trực diện trung lộ và hỗ trợ cho Pipat - tiền đạo duy nhất nhắm thẳng khung thành Lewis khoan tới.

Pha chuyền bóng nhạy cảm đẳng cấp cao của Thonglao cùng những động tác xử lý tài hoa của Pipat để có bàn thắng ở phút 37 ngỡ đã giúp Thái Lan hưng phấn gấp bội trong hiệp hai. Mọi sự đã không diễn ra như thế. Và ở đây, người ta mới thấy sự bình tĩnh và tài điều chỉnh đấu pháp của "ông thầy ngoại" Avramovic.

Hiệp hai là hiệp đấu của đội khách, khi họ chơi với một thể lực vượt trội đội chủ nhà. Hóa ra, ông Avramovic đã chọn điểm nhấn thể lực cho đội mình vào nửa đầu hiệp hai, khi cầu thủ Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu xuống sức, khi những pha đánh trung lộ của họ đã bị bắt bài do hàng thủ Singapore bọc lót nhiều tầng và kín kẽ hơn.

Ở một trận chung kết căng thẳng như thế này, yếu tố thể lực là yếu tố quyết định ở hiệp hai. Người Singapore không vội, vì nếu hòa, họ sẵn sàng chơi với chủ nhà ở hai hiệp phụ, thậm chí ông Avramovic chắc đã sắp sẵn cả phương án đá luân lưu. Chỉ đợi khi chủ nhà sau mấy cơ hội tưởng đã ăn bàn nhưng đều hụt, Singapore mới bắt đầu tung những đòn phản công khá chân phương của mình. Họ chơi không lắt léo, nhưng cái chân phương của họ rất bài bản, chứng tỏ họ đã tập luyện thành thạo những phương án này.

Từ những pha treo bóng bổng, từ cách đánh cắt mặt của Alam Shah đến sự tận dụng tối đa lợi thế chiều cao của cầu thủ, Singapore tuy không chơi phối hợp nhỏ đẹp mắt và dùng nhiều kỹ thuật cá nhân như Thái Lan, nhưng lối chơi của họ không tốn quá nhiều sức, trong khi họ có vẻ như thừa sức. Đó chính là vũ khí, là sức mạnh của đội bóng này mà HLV trưởng đã biết phát huy triệt để.

Cách thay người của ông Avramovic cũng cho thấy khả năng đọc trận đấu rất tốt của HLV người Serbia này. Khi Dickson chơi tốn sức nhưng không hiệu quả, ông Avramovic đã lập tức thay anh bằng Amri, một cầu thủ chơi phản công với sức càn lướt và với quyết tâm cao hơn. Và chỉ sau ít phút vào sân, chính Amri sau một pha đi bóng tốc độ đã dứt điểm quyết đoán mang về trận hòa 1-1 ngay trên sân Thái cho Singapore và mang chiếc cúp vô địch lần thứ 3 về đảo quốc sư tử.

Có bình luận viên cho rằng, đội VN cũng có thể tự hào rằng mình đã "suýt thắng" Singapore ngay trên sân của họ ở vòng bảng. Nhưng ngay ở trận đấu ấy, dù Singapore chơi không sắc nét, họ vẫn ở thế trên chân chúng ta, chứ không phải ta "suýt thắng" họ. Và khi người Singapore dồn sức cho trận thắng quá đậm đà trước Lào, họ đã chơi đúng với đẳng cấp của họ, và những bàn thắng của họ đều rất thuyết phục. Còn ở trận chung kết lượt đi trên sân nhà, với cách chơi gây ức chế cho người Thái, đội quân ông Avramovic đã đạt được yêu cầu họ đề ra: một trận thắng.

Liệu đội VN có thể làm như những gì mà Singapore đã làm trên sân nhà? Sự uyển chuyển trong đấu pháp, cách đọc trận đấu tinh tế, cách thay người quyết đoán nhằm tạo đột biến là những gì ông Avramovic làm được, còn ông Riedl thì không làm được! Đó là khác biệt giữa hai đội bóng từng hòa nhau ở vòng bảng. Người Singapore, với ông "thầy ngoại" của mình, đã biết cách để đi tới chiến thắng sau cùng trong khi chưa phải là đội bóng hay nhất khu vực. Họ dám và biết cách thắng Thái Lan - “tượng đài bóng đá Đông Nam Á”, trong khi đội VN thì không. Đó là điểm khác biệt lớn nhất.  

 Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.