Thuốc hỗ trợ liều cao cho doanh nghiệp

Nguyên Hằng
Nguyên Hằng
28/09/2020 04:56 GMT+7

Với tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới .

Có được kết quả này là nhờ chúng ta kiểm soát tốt dịch bệnh với các giải pháp đúng, kịp thời, hiệu quả, chi phí thấp... Thế nhưng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, không nên đặt nặng thành tích tăng trưởng.
Vấn đề quan trọng hơn chính là dưỡng sức doanh nghiệp (DN), lực lượng góp phần tạo ra tăng trưởng nhưng đang hết sức khó khăn, thậm chí rất nhiều công ty đã kiệt quệ sau 2 lần đối phó với dịch bệnh. Trong tổng số khoảng 700.000 đơn vị đang hoạt động, chỉ một tỷ lệ rất nhỏ tiếp cận được các chính sách hỗ trợ thuế, lãi suất... Còn đa số không thể do thủ tục phức tạp hoặc do các điều kiện quá khắt khe... Đáng nói, nếu chính sách giãn thuế, giảm lãi lần 1 được ban hành khá sớm thì ở lần tái dịch này lại quá chậm chạp. Dịch Covid-19 tái phát từ cuối tháng 7, đến nay chính sách hỗ trợ lần 1 cũng chuẩn bị tới hạn..., mới bắt đầu có đề xuất các giải pháp hỗ trợ lần 2. Theo quy trình thì còn lấy ý kiến, bàn tới bàn lui, đợi đến khi được phê duyệt... có lẽ nhiều DN không đủ sức đợi. Chính sách thời chiến mà lề mề hơn thời bình, không chỉ không “tiếp sức” mà còn có thể bỏ lỡ rất nhiều cơ hội của DN. Cứ hình dung, nếu biết trước sẽ tiếp tục được giãn thuế, DN sẽ tận dụng nguồn vốn đó để ký hợp đồng, mở rộng kinh doanh hay đơn giản để trả lương giữ chân người lao động... Thế nhưng vì không biết có tiếp tục được giãn nộp thuế hay không, họ không thể tính các bước đi tiếp...
Thế nên việc cần làm lúc này chính là bàn cách cứu các DN. Phải nói thẳng là “cứu” bởi qua 2 lần chống đỡ với dịch, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước đều giảm đến mức tối đa. Sức mua suy giảm thì không có DN lớn hay nhỏ, chỉ có DN khó. DN nhỏ và vừa chắc chắn không thể cầm cự. Còn DN lớn, nguy cơ chết trên đống tài sản rất lớn khi tồn kho ngày càng lớn mà gánh nặng thuế, phí, lãi... vẫn đuổi phía sau. Họ cần được tiếp sức, bằng những chính sách mạnh, nhanh, đặc thù, thậm chí chưa có tiền lệ bởi bối cảnh hiện nay là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Không thể cứ áp dụng các chính sách bình thường trong một bối cảnh đặc thù và ngược lại.
Kiểm soát dịch bệnh tốt và sớm, Việt Nam đang nổi lên là điểm đến cho các dòng vốn đầu tư. Chúng ta nói nhiều đến dọn tổ đón “đại bàng”, đến cơ hội đứng vào chuỗi giá trị của thế giới..., nhưng nếu không dưỡng sức cho DN nội, không chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực thì ai sẽ làm đối trọng, đối tác... cho “đại bàng”, lực lượng lao động nào sẽ đáp ứng nhu cầu của “đại bàng”...?
DN chính là xương sống của nền kinh tế. Xương sống chắc khỏe mới có cơ thể khỏe mạnh. Không thể có tăng trưởng cao, chất lượng nếu đối tượng tạo ra tăng trưởng lại ốm yếu, gầy mòn. Thế nên thay vì đặt nặng vấn đề tăng trưởng, hãy bốc thuốc hỗ trợ liều cao giúp DN vượt qua giai đoạn này. Đó mới là việc phải làm, phải bàn hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.