‘Thượng đế’ bị phân biệt

16/04/2016 06:30 GMT+7

Cách đây 3 năm, ông chủ của một cửa hàng bán đồ lưu niệm “da cá sấu” ở Mũi Né (Bình Thuận) đã không ngần ngại xua đuổi những ai là người Việt bước chân vào cửa hàng ông.

Cách đây 3 năm, ông chủ của một cửa hàng bán đồ lưu niệm “da cá sấu” ở Mũi Né (Bình Thuận) đã không ngần ngại xua đuổi những ai là người Việt bước chân vào cửa hàng ông.

Lý do mà ông chủ này đưa ra là khách Việt vào cửa hàng ông để ăn cắp chứ không mua hàng. Vì vậy, cửa hàng bán đồ lưu niệm này chỉ “đón” khách nước ngoài mà thôi. Người Việt, trong trường hợp này, đã “thất lạc” ngay trên quê hương mình chỉ vì cái nhìn thiển cận của một ông chủ, trớ trêu thay, lại là người Việt!
Mới năm ngoái đây, tại Đà Nẵng, có ít nhất hai cửa hàng đã cấm cản khách là người Việt đến đây mua đồ. Cung cách đối xử với khách người Việt ở đây rất giống ở Mũi Né, Phan Thiết, có khác chăng là tại hai cửa hàng này, họ chỉ bán cho khách là người Trung Quốc. Lập luận mà ông chủ các cửa hàng này đưa ra là “người Việt không mua nổi loại hàng hóa đắt tiền trong cửa hàng!”. Trong trường hợp này, “thượng đế Việt” đã bị phân biệt đối xử ngay trên mảnh đất của mình.
Hai trường hợp kể trên đã được cơ quan chức năng ở Bình Thuận và Đà Nẵng xử lý theo luật định, trả lại sự công bằng trong việc mua bán của du khách, bất luận đó là khách ở quốc gia nào.
Những tưởng chuyện “thượng đế” bị phân biệt đã chấm dứt trên lãnh thổ VN thì mới đây, tại TP.Nha Trang, “bệnh cũ” lại tái phát, tuy có phần “kín kẽ” hơn ở Đà Nẵng và Phan Thiết.
Báo cáo của ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong năm 2015, tỉnh này đón 180.000 lượt du khách đến từ Trung Quốc, tăng 5,4 lần so với năm trước. Nắm bắt thị trường du lịch tại Nha Trang đang sôi động với du khách đến từ Trung Quốc, hàng loạt nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm phục vụ cho khách Trung Quốc mọc lên ngày càng nhiều. Tuy là “cửa hàng Việt”, do người Việt đứng tên đăng ký kinh doanh nhưng ai cũng biết, nấp sau “cánh gà” của các nhà hàng này là người Trung Quốc. Họ không ngần ngại ghi trong thực đơn cùng các món hàng lưu niệm toàn bằng tiếng Trung.
Dù không ghi bảng hiệu “cấm cản” người Việt, song các cửa hàng này thuê hẳn một đội vệ sĩ làm nhiệm vụ “gây khó” cho những thực khách là người Việt hoặc người nước ngoài khác đến đây ăn uống hoặc mua đồ lưu niệm.
Các nhân viên là người Việt ở đây viện đủ lý do để chối từ phục vụ khách, nếu không phải khách ấy là người Trung Quốc.
Xét về luật thì chuyện từ chối là quyền của người bán hàng nhưng xét ở khía cạnh đạo đức kinh doanh thì việc phân biệt như thế là khó chấp nhận. “Thượng đế” không thể đo đếm bằng số lượng người. Một thực khách cũng là “thượng đế” đó thôi.
Tỉnh Khánh Hòa đã làm hết sức mình để Nha Trang luôn là thành phố thân thiện với du khách, bất luận họ đến từ quốc gia nào. Vì vậy, mọi sự phân biệt, lại là phân biệt với người Việt trên đất Việt, đều phản cảm cần phải được loại bỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.