Tiếp công dân

27/05/2013 03:15 GMT+7

Tuần trước, Chính phủ đã gửi QH bản báo cáo dài 12 trang về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2012 và 4 tháng đầu năm 2013. Báo cáo cho biết, 4 tháng đầu năm nay, Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận và xử 5.474 đơn, tăng 6,8% so với cùng kỳ; Các bộ, ngành, địa phương tiếp nhận, xử lý 33.970 đơn thư, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2012.

Tuần này, QH sẽ có 2 phiên nghe báo cáo và thảo luận về dự thảo luật Tiếp công dân. Mà một trong những mục tiêu của dự án luật Tiếp công dân, theo Thanh tra Chính phủ, là thiết lập cơ chế hữu hiệu để công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh một cách đầy đủ, công khai và minh bạch.

Một trong những quy định cụ thể nhất của dự luật là: bộ trưởng và chủ tịch UBND cấp tỉnh phải trực tiếp tiếp dân ít nhất một ngày/tháng. Giám đốc sở, chủ tịch UBND cấp huyện, xã tiếp dân ít nhất hai ngày mỗi tháng. Thực ra, trong bối cảnh hiệu quả của công tác tiếp dân chưa đạt yêu cầu (báo cáo kể trên của Chính phủ), công dân khi có khiếu kiện vẫn bị chỉ lòng vòng từ cơ quan này qua cơ quan khác thì có được các quy định cụ thể như vậy cũng là rất tốt. Nó nhằm xác định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan hành chính trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

Nhưng nếu xét kỹ lại thấy, các quy định này là không cần thiết, bởi lẽ, việc tiếp dân để giải quyết công việc theo chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đã được quy định bắt buộc trong chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính. Do vậy, việc chỉ quy định thành lập các cơ quan tiếp công dân (dù có quy mô, tiện nghi đến đâu) mà thiếu trách nhiệm và cơ chế để cơ quan này tham gia giải quyết khiếu nại của công dân sẽ gây ra những tốn phí không cần thiết. Theo quy định của dự thảo luật thì dù có luật cũng sẽ chẳng giải quyết được tình trạng khiếu kiện kéo dài, phức tạp, bởi vì các cơ quan tiếp công dân cũng chỉ làm nhiệm vụ lắng nghe tâm tư, bức xúc của người dân và chuyển đơn thư đến đơn vị chức năng giải quyết. Nó cũng vẫn giống y cơ chế hiện hành: người dân đến khiếu kiện liên quan đến đất đai (chiếm đến 70% các vụ khiếu kiện) lại được chỉ dẫn đến cơ quan tài nguyên môi trường.

Cũng sẽ không có chuyện, luật Tiếp công dân ra đời khắc phục được tình trạng khiếu nại vượt cấp đông người. Bởi vì đây là 2 chuyện khác nhau. Khi người dân có bức xúc, có khiếu nại tại địa phương mà không được giải quyết kịp thời, hiệu quả, không thể trách người “phát đơn” đến Chủ tịch nước, Chủ tịch QH. Cho nên, vấn đề vẫn là phải “tháo ngòi nổ” ngay từ nơi khởi phát khiếu nại, tố cáo.

Nếu không khéo, việc ra đời hàng loạt các cơ quan tiếp công dân sẽ làm cồng kềnh và lãng phí thêm cho bộ máy hành chính. Các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương đáng nhẽ có nhiệm vụ tiếp nhận khiếu nại, tố cáo lại khoán trắng, đẩy hết việc cho cơ quan tiếp dân. Và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, nếu vậy lại còn ách tắc hơn.

An Nguyên

>> Chủ tịch UBND tỉnh phải tiếp dân 1 ngày mỗi tháng
>> Nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc tiếp dân
>> Học Bác về thái độ tiếp dân
>> Học Bác từ cách nói, cách làm, cách tiếp dân
>> Cán bộ không được né tránh tiếp dân
>> Đổi mới công tác tiếp dân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.