Tín hiệu mừng

27/10/2016 05:56 GMT+7

Tăng 9 bậc về môi trường kinh doanh trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), xếp thứ 82 trên tổng số 190 nước nhưng có lẽ dấu ấn lớn nhất trong lần thăng hạng lần này nằm ở một tiêu chí.

Đó là bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư nhỏ. Tiêu chí này tăng tới 31 bậc, lên hạng 87.
Nói tiêu chí này quan trọng bởi nhà đầu tư nhỏ tại VN lâu nay nói không quá lời vốn thân cô, thế cô. Họ yếu thế hơn so với các nhà đầu tư lớn ở hầu hết các phương diện như tiếp cận vốn, tiếp cận chính sách, tiếp cận các lợi thế kinh doanh. Ngay trong cả tiếp cận các ưu đãi, các dự án có quy mô lớn, giá trị đầu tư cao bao giờ cũng nhận được các chính sách ưu đãi nhiều hơn, lớn hơn; nhà đầu tư lớn được trải thảm đỏ đón tiếp; được săn đón, chào mời; thậm chí giành giật giữa địa phương này, địa phương kia.
Còn không ít nhà đầu tư nhỏ "đi chẳng ai biết, đến chẳng ai hay". Đáng nói là dù bị đối xử thiếu công bằng nhưng nhà đầu tư nhỏ đang chiếm đại đa số trong cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt hiện nay. Họ là lực lượng đông đảo nhất, tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất, năng động nhất. Vì vậy, nếu họ được bảo vệ tốt hơn chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực hơn lên môi trường kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt trong bối cảnh VN đang khởi động phong trào quốc gia khởi nghiệp để có 1 triệu DN vào năm 2020 thì điều này càng trở nên có ý nghĩa. Bởi khi được bảo vệ tốt, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình sẽ có niềm tin mạnh hơn rút tiền trong tủ ra làm ăn, kinh doanh. Nguồn lực trong xã hội sẽ được huy động để phát triển sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu 1 triệu DN sẽ dễ thành công hơn.
Quan trọng hơn, điều này còn cho thấy, định hướng coi DN tư nhân (90% là DN nhỏ, siêu nhỏ) của Chính phủ đã và đang được thực hiện. Chúng ta đều biết trước đây, DN tư nhân luôn thiệt thòi hơn so với khối DN nhà nước và DN ngoại.
Họ đóng góp cho tăng trưởng GDP lên tới 40%, vượt qua cả đứa "con cưng" là khối DN nhà nước với mức đóng góp chỉ đạt hơn 32%, nhưng những ưu đãi mà có lẽ họ xứng đáng nhận được vẫn cực kỳ hạn chế, hay có thể nói gần như không đáng kể chút nào với những ưu đãi mà khối quốc doanh và các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài nhận được.
Điều này đã tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường đầu tư và khiến nhiều DN phải dời bỏ thị trường vì bị chèn lấn. Chính vì thế, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần khẳng định, DN tư nhân chính là động lực phát triển của nền kinh tế. Những cơ chế, chính sách, đổi mới sau đó cũng dựa trên định hướng này và có lẽ, kết quả đã phản ảnh một phần trong sự thăng hạng của tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư nhỏ của WB như nói trên.
Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện để môi trường đầu tư kinh doanh của VN hấp dẫn hơn. Báo cáo của WB cho thấy, tiêu chí thành lập DN, VN tụt 10 bậc so với năm ngoái và được đánh giá là khiến việc kinh doanh khó khăn hơn. Một số tiêu chí tụt hạng hoặc đứng yên...
Nhưng như đã phân tích, việc thăng hạng 9 bậc về môi trường kinh doanh chung và nhà đầu tư nhỏ, nhà đầu tư thiểu số được bảo vệ tốt hơn là một điều hết sức đáng mừng trong bối cảnh hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.