Trên 'nóng' dưới 'nguội'

20/09/2017 06:18 GMT+7

20 tháng kể từ sau Đại hội XII của Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp 17 phiên. Mỗi phiên họp không chỉ đều được thông báo đầy đủ, công khai mà từng chi tiết trong đó đều thể hiện quyết tâm của Đảng trong phòng, chống tham nhũng, xóa tan mối nghi ngại có “vùng cấm” trong xử lý kỷ luật Đảng. Đây thật sự là điều vô cùng cần thiết trong việc giữ gìn kỷ luật và sự trong sạch của Đảng.
Nhưng có thực tế, một số vụ lớn mà Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Bí thư, và BCH T.Ư vừa qua xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên, cho thấy những vi phạm đều đã xảy ra từ nhiều năm trước và trong rất nhiều trường hợp đã từng trở thành điểm nóng dư luận ở địa phương và các cấp cơ sở trong nhiều năm. Câu hỏi đặt ra là, liệu có chuyện công tác kiểm tra, giám sát của Đảng chỉ “nóng” ở cấp T.Ư, “nguội” ở cấp địa phương hay không? Trên quyết liệt nhưng dưới lại đủng đỉnh? Tại sao chỉ khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc mới phát hiện, xử lý cán bộ sai phạm mà cấp ủy các cấp không tự kiểm tra, phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, xử lý cán bộ?
Nếu như Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI (tháng 1.2012) được thực hiện nghiêm túc, công tác giám sát, xử lý cán bộ quyết liệt từ cấp cơ sở thì liệu bây giờ Ban Bí thư có phải cùng lúc xử lý một loạt cán bộ cấp cao như thế hay không?
Câu trả lời là không. Rất nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý vừa qua, đã từng được cảnh báo (bằng các kết luận thanh tra, kiểm toán) nhưng đều bị bỏ qua ở các cấp dưới, để tiếp tục được bầu, đề bạt vào các vị trí cao hơn. Đúng như Tổng bí thư từng phát biểu tại hội nghị của ngành kiểm tra Đảng hồi đầu năm nay, rằng ở “không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc”.
Nếu nhìn một cách thẳng thắn, thì “sức nóng” trong việc chống tham nhũng, chống các biểu hiện suy thoái, vi phạm tư cách, tiêu chuẩn đảng viên dường như chưa đủ sức lan tỏa đến các cấp bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã. Các vi phạm được phát giác tại các tỉnh Thanh Hóa, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Bộ Nội vụ, Bộ GTVT, Công thương... chậm được xử lý. Câu chuyện “hot girl” xứ Thanh ồn ào rồi biến mất cùng nhân vật chính. Thường vụ, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã xử lý thế nào đối với những cán bộ, đảng viên liên quan đến những sai phạm hành chính đã được chỉ ra? Biệt phủ xa hoa của người nhà lãnh đạo tỉnh Yên Bái rồi sẽ được kết luận thế nào khi đã quá hạn vẫn chưa công bố? Bộ máy Đảng, chính quyền địa phương có tự giải quyết được hay lại phải cần đến Ủy ban Kiểm tra T.Ư?
Công việc của Ủy ban Kiểm tra T.Ư có lẽ còn nặng nề, chính là việc giám sát, đốc thúc các cấp dưới chuyển động, tự giải quyết, chấn chỉnh đội ngũ của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.